Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và các thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Thảo luận về dự thảo Luật Kiến trúc, đa số các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc, đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Qua nghiên cứu, nhiều đại biểu nhận thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có luật về hành nghề kiến trúc. Các sản phẩm kiến trúc gồm kiến trúc công trình, kiến trúc không gian phục vụ con người, phát triển văn hóa xã hội góp phần thể hiện sắc thái văn hóa không chỉ riêng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc mà còn cả của từng vùng, miền, địa phương. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập, yếu kém trong hoạt động kiến trúc hiện nay, góp phần định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế thì việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết.
Dự thảo Luật Kiến trúc đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đến nay dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia là các kỹ sư, kiến trúc sư Việt Nam. Chất lượng của dự thảo đã được cải thiện, bố cục rõ ràng, các quy định tương đối sát với yêu cầu thực tiễn với công tác quản lý kiến trúc.
Để tiếp tục hoàn chỉnh, dự thảo, các đại biểu tại Hội thảo đề nghị Ban Soạn thảo cần rà soát lại chính xác và giải thích lại các từ ngữ tại Điều 3 “Giải thích từ ngữ” vì ngành kiến trúc là một ngành khoa học kĩ thuật chi phối toàn bộ nền văn minh của thế giới hiện nay. Cụ thể, đề nghị định nghĩa lại một số cụm từ cụ thể như: “Kiến trúc” “Thiết kế kiến trúc”, Công trình kiến trúc”. Đồng thời, đề nghị bỏ định nghĩa “Quy chế quản lý kiến trúc” vì quy chế này một loại văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34 của Nhà nước đã quy định rõ ràng.
Về Điều 4, các đại biểu cho rằng, quy định về nguyên tắc hoạt động kiến trúc là không rõ, không bám sát với những hoạt động kiến trúc đã đặt ra. Nếu hoạt động kiến trúc quy định tại Điều 3 gồm quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc thì Điều 4 phải bám vào 2 điều này. Tại Điều 5, Ban soạn thảo nên xem lại cụm từ “bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động kiến trúc”. Theo các đại biểu, trong hoạt động kiến trúc không có bản sắc, bản sắc là của những công trình kiến trúc cụ thể chứ không phải của hoạt động kiến trúc. Do đó, đề nghị đưa vào định nghĩa thế nào là bản sắc tại điều 5 của dự thảo Luật.
Chuyên gia Hội Kiến trúc sư Việt Nam Trần Trọng Hanh cho ý kiến đóng góp vào Dự thảo
Về Chương II, chuyên gia Hội Kiến trúc sư Việt Nam Trần Trọng Hanh cho biết, quy định chương này tuy đã được cải thiện rất nhiều so với dự thảo trước đây của Bộ Xây dựng nhưng vẫn chưa làm rõ được nội hàm của Quản lý kiến trúc. Trong chương này, Hội kiến trúc sư Việt Nam đề nghị ban soạn thảo làm rõ nội hàm của quản lý kiến trúc là gì, quản lý kiến trúc sử dụng công cụ nào, đồng thời cần bổ sung Phương châm quản lí kiến trúc phát triển Việt Nam. Từ đó, nên sắp xếp lại nội dung của chương này theo 4 nhóm cho logic: quy định chung, quản lý phát triển kiến trúc, hội đồng kiến trúc và các biện pháp nâng cao giá trị vật chất về kiến trúc.
Về Hội đồng tư vấn Kiến trúc, Dự thảo phân ra cấp quốc gia và cấp tỉnh, tuy nhiên cần xem xét lại, tỉnh nào cũng đã có Hội đồng quy hoạch kiến trúc với đông đảo các kiến trúc sư, giờ lại có Hội đồng tư vấn kiến trúc nữa thì có phù hợp hay không. Các đại biểu đề nghị trong Luật này chỉ lên khung, quy định cấp quốc gia, cấp tỉnh còn cụ thể như thế nào thì cần xem xét thêm.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng ghi nhận những đóng góp tích cực của các đại biểu, cho rằng các ý kiến đã đi sâu vào toàn bộ các vấn đề của Dự thảo Luật Kiến trúc, chỉ ra những điểm chưa phù hợp góp phần hoàn thiện dự thảo. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo luật một lần nữa trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại buổi Hội thảo trước khi trình ra phiên họp thứ 32 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.