Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đai biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, nhiều nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc đã được phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉnh lý một bước. Bản dự thảo hiện nay gồm 4 chương, 43 điều, tăng 6 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu. Trong đó, bổ sung một số điều quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động kiến trúc; chính sách của Nhà nước; tổ chức xã hội nghề nghiệp; hợp tác quốc tế.
Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc, dự thảo đã quy định cụ thể về thủ tục đăng ký hành nghề, cách thức duy trì hành nghề và năng lực hành nghề kiến trúc sư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về giải thích đối với khái niệm kiến trúc, kiến trúc sư, công trình kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc… để bảo đảm phù hợp với thông lệ thế giới, tránh gây lúng túng khi thực hiện các dự án hợp tác quốc tế.
Toàn cảnh Hội thảo về Dự thảo Luật Kiến trúc
Một số ý kiến khác đề nghị, cần cân nhắc quy định tại Điều 20, dự thảo Luật về thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc với công trình công cộng có quy mô cấp I, mộ số công trình trong đô thị từ cấp II trở lên, tượng đài, công trình kiến trúc là biểu tượng của địa phương bởi lẽ công tác này chỉ thực hiện trong khâu xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, chưa chắc chắn sẽ được triển khai, trong khi các tổ chức, đơn vị đều phải mất khoản chi phí nhất định để tiến hành.
Cho ý kiến tại Hội thảo, đối với Chương II về quản lý kiến trúc, các đại biểu đề nghị nội dung được tập trung sửa đổi gồm: yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, nông thôn, các khu vực khác; yêu cầu quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị; quản lý thiết kế kiến trúc. Tại chương này cũng bổ sung quy định về Hội đồng tư vấn kiến trúc cấp tỉnh; quy định rõ hơn nguyên tắc lập, nội dung, phê duyệt, điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, các quy định tại Chương III về hành nghề kiến trúc có vai trò quan trọng, góp phần tạo lập môi trường hành nghề lành mạnh, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ kiến trúc sư ở nước ta, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước. Do vậy, các điều, khoản quy định về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc; phát triển nghề nghiệp liên tục, quy tắc ứng xử nghề nghiệp; điều kiện năng lực của tổ chức hành nghề; giám sát tác giả… cũng đã được tiếp thu và bổ sung./.