Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về việc ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các bộ và địa phương, với phương châm “Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” thực hiện trách nhiệm được giao tại Điều 42, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 16/6/2016 với nội dung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan đánh giá tác động thiên tai, giải pháp ưu tiên về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Thông tư 05/2016/TT-BKHĐT được ban hành đã hướng dẫn đầy đủ nguyên tắc, nội dung thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành phố thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các xã, phường, thị trấn. Quá trình thực hiện Thông tư 05/2016/TT-BKHĐT các Bộ, ngành và địa phương chưa có ý kiến về những khó khăn vướng mắc.
Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đưa nội dung thực hiện lồng ghép phòng, chống thiên tai thành một yêu cầu trong Chỉ thị xây dựng Kế hoạch và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua thực hiện nội dung lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án phòng chống, thiên tai đã được các Bộ, ngành và địa phương chuẩn bị nội dung đưa vào kế hoạch đầu tư công hàng năm, cũng như trung hạn…
Đại diện cơ quan soạn thảo báo cáo một số nội dung của Dự luật
Cũng cho ý kiến tại hội thảo, Bộ Xây dựng cho biết, việc chỉ đạo thực hiện văm bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng phù hợp với pháp luật về phòng chống thiên tai đã được Bộ triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, trong những năm qua Bộ Xây dựng ban hành 15 quy chuẩn Việt Nam về xây dựng. Trong đó có 03 quy chuẩn về xây dựng có nội dung quy định liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Các quy chuẩn này là công cụ chính dùng để quản lý và tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai trong thiết kế và thi công xây dựng (TCXD), đảm bảo mục tiêu an toàn cho con người, nhà ở và công trình. Đối với tiêu chuẩn Việt Nam, hiện nay có khoảng 1.200 tiêu chuẩn về xây dựng, bao quát đầy đủ và toàn diện theo công nghệ, lĩnh vực và quá trình xây dựng. Trong đó, có khoảng 15 tiêu chuẩn có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Các tiêu chuẩn nêu trên là tài liệu kỹ thuật quan trọng để các chủ thể áp dụng và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai từ thiết kế cho đến TCXD. Nhìn chung, hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn về xây dựng đã có các quy định liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, qua thời gian dài áp dụng đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện, tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn về xây dựng với mục tiêu “Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam về xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng”.
Bên cạnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Xây dựng cho biết, việc chỉ đạo thực hiện bảo đảm an toàn cho người, công trình xây dựng, nhà ở trong công tác phòng, chống thiên tai cũng được quan tâm. Để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trước, trong và sau mùa mưa bão, Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai trong xây dựng với nội dung: Rà soát quy hoạch đô thị, khu dân cư trước ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét; xác định những khu vực có khả năng ngập lụt, nước biển dâng bởi bão mạnh, siêu bão, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa... để cảnh báo ngay cho nhân dân khi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét; có kế hoạch từng bước di dời dân cư đến khu vực an toàn theo quy hoạch; Rà soát các quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc phân vùng, thoát lũ, đảm bảo chống ngập úng đô thị; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như hào kỹ thuật, tuynel, trạm biến áp, cột điện..., chặt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng trong đô thị; Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình hồ, đập, thủy lợi nhằm kịp thời phát hiện các hư hỏng và chủ động sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão; Tuyên truyền, hỗ trợ và yêu cầu người dân thực hiện gia cố, giằng chống, đặc biệt đối với các nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão đối với công trình có sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo trên cao.
Các đại biểu cho ý kiến tại Hội thảo
Thảo luận tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và một số đại biểu chỉ rõ, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công là 2 đạo luật cơ bản nhằm quản lý ngân sách nhà nước theo đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí. Luật Đầu tư công 2019 đã được Quốc hội thông qua và cơ bản đã được chỉnh sửa, phù hợp. Nhưng quá trình tổng hợp và đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai thời gian qua chưa thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Do đó, cần thiết rà soát, sửa đổi bổ sung xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực phòng, chống thiên tai thống nhất, đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công nhằm đảm bảo việc đầu tư dự án phòng chống thiên tai phát huy hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Chính vì vậy, trong quá trình thẩm định, thông qua các Luật có liên quan tới Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo chịu trách nhiệm rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực phòng chống thiên tai đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định và các văn bản pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, đặc thù của công tác phòng, chống thiên tai thường đột xuất, bất ngờ, khối lượng công việc lớn và phải có sự phối hợp của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan nên việc thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, trên thực tế, việc yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, công trình đang tổ chức xâ dựng, công trình lân cận; tổ chức triển khai các biện pháp khi xảy ra mưa bão vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Việc thực thi Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn một số hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện như: quy định về chế độ trực ban làm thêm giờ cho người làm công tác phòng, chống thiên tai đều bị vướng bởi Bộ luật Lao động; mức miễn, giảm đóng Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng miễn, giảm; các nội dung chi của Quỹ Phòng, chống thiên tai không rõ ràng ...
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến góp ý xác đáng của các Bộ, ngành và các đại biểu; khẳng định những ý kiến góp ý đã chỉ ra các khoảng trống về pháp lý, những bất cập vướng mắc trong thực tiễn triển khai các dự án, cần phải tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi trong dự án Luật. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án Luật đảm bảo hiệu quả cao nhất./.