GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

30/08/2022

Sáng 30/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Dự thảo Luật lần này gồm 8 Chương, 56 Điều, kế thừa hợp lý các quy định hiện hành, bổ sung quy định mới cũng như sửa đổi và bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục những bất cập trong giao dịch điện tử thời gian vừa qua.

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Khắc phục thiếu hụt về cơ sở pháp lý so với các khuyến nghị của FATF

Toàn cảnh Hội thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS.Nguyễn Văn Hiển và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn đồng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: Đại diện các cơ quan của Quốc hội gồm: đại diện Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Đối ngoại; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiện cứu lập pháp.

Đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; cùng các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam; Học viện Tài chính; Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết, triển khai Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022-2023, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 15 (trong tháng 9/2022) và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là Ủy ban thẩm tra dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp đã tiến hành tổ chức hai cuộc khảo sát 9 địa phương ở 3 miền và làm việc với một số tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Techcombank. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) lần này gồm 8 chương, 56 Điều, tăng hơn 2 Điều so với Luật hiện hành. Dự thảo Luật đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành, bổ sung quy định mới như quy định một chương mới về dịch vụ tin cậy, sửa đổi và bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết, dự thảo Luật đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành, bổ sung quy định mới như quy định một chương mới về dịch vụ tin cậy, sửa đổi và bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua.

Qua các cuộc khảo sát thực tiễn và trao đổi với các chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị các đại biểu, chuyên gia tập trung cho ý kiến vào 9 nội dung của dự thảo Luật:

Thứ nhất, tập trung phân tích, đánh giá về tính khả thi của phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật.

Thứ hai, cho ý kiến về đối tượng áp dụng, xem xét quy định như dự thảo Luật đã phù hợp chưa?

Thứ ba, cho ý kiến về tính tương tích với các điều ước quốc tế, xem xét quy định đã phù hợp với CPTPP, EVFTA và các Hiệp định Thương mại Tự do khác hay chưa?

Thứ tư, đề nghị góp ý về chứng thực dữ liệu, giao kết hợp đồng điện tử. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, hiện chưa có định nghĩa nào nói về chứng thực dữ liệu. Hoặc giao kết hợp đồng điện tử được quy định như dự thảo Luật mới chỉ quy định các vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật chứ chưa đưa ra quy định mang tính thủ tục pháp lý liên quan đến giao kết hợp đồng điện tử.

Thứ năm, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, xác thực điện tử, công nhận sử dụng chữ ký điện tử của nước ngoài như thế nào?

Thứ sáu, đề nghị các đại biểu, chuyên gia nhận định tính khả thi của nội dung dịch vụ tin cậy. Đây là một chương hoàn toàn mới của dự thảo Luật. Ví dụ như xem xét các tiêu chí xác định dịch vụ tin cậy là như thế nào, đơn vị nào được cung cấp dịch vụ hợp pháp đối với dịch vụ tin cậy này?

Thứ bảy, góp ý về giao dịch điện tử của các cơ quan quản lý Nhà nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn đề nghị xem xét tính chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhau được thông suốt. Nếu liên thông cơ sở dữ liệu không đồng bộ, thống nhất với nhau thì dự thảo Luật khó đi vào cuộc sống.

Thứ tám, góp ý về an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, xem xét có chồng lấn, vướng mắc với Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin không?

Thứ chín, các vấn đề khác trong dự thảo Luật mà các đại biểu quan tâm cần làm rõ.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý về 9 nội dung cơ bản của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đã nêu.

Góp ý vào tổng thể nội dung chương I, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh như thế nào là hợp lý, đảm bảo an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật. Vì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác là các giấy tờ được cấp 1 lần cho cá nhân, gia đình để lưu giữ, quản lý và sử dụng khi cần thiết, trong số đó có các giấy tờ như giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử… thì khi cấp cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ, trong trường hợp này thì việc cấp trực tuyến các giấy tờ này vẫn thuận lợi hơn so với cấp trực tuyến.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Định Luyến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ các đối tượng bị áp dụng của dự thảo Luật này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đề cập đến nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử (Điều 4), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử”. Bởi vì nguyên tắc này đang được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, TS.Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, nội dung này được quy định tại Chương VII dự thảo Luật, đề nghị cần sửa đổi theo hướng quy định việc bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử không chỉ được thực hiện theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng mà còn phải thực hiện theo quy định của Luật Công nghệ thông tin. Do đó, TS.Nguyễn Mai Bộ đề nghị sửa đổi Điều 53 của dự thảo Luật; về kĩ thuật lập pháp, đề nghị nghiên cứu sự cần thiết quy định tại khoản 1 Điều 54 dự thảo Luật trong mối tương quan với quy định đã có tại Điều 53 dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định tại khoản 2 Điều 54 dự thảo Luật vì không thuộc nội hàm của chương “An toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử”.

Ngoài ra, TS.Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị bổ sung nội dung quản lý an ninh mạng vào khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật này.

Góp ý vào dự thảo Luật, TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cần rà soát, đánh giá sự tương tích của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cho rằng một số cam kết FTA chưa được thể hiện rõ trong dự thảo, do vậy, để đảm bảo tuân thủ tốt hơn cam kết, TS.Nguyễn Thị Thu Trang đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung các quy định liên quan, trong đó có: định nghĩa “chứng thực điện tử”; quy định rõ về việc không yêu cầu nộp văn bản giấy để đối chiếu với văn bản điện tử; quy định rõ về việc tổ chức, cá nhân có thể xuất trình văn bản điện tử trong các thủ tục với cơ quan Nhà nước nếu phù hợp.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị cần làm rõ Chứng thư điện tử trong dự thảo Luật Giao điện tử (sửa đổi) và Luật hiện hành; góp ý các quy định của Chương IV - Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; góp ý các quy định về chữ ký điện tử, công nhận, sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài và các vấn đề khác của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và các vấn đề khác của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tiếp thu và ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đồng thời báo cáo giải trình thêm về 9 nội dung của dự thảo như: chứng thư điện tử; hợp đồng số, hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh; vấn đề xung đột của dự thảo Luật này với các Luật khác có liên quan…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng thời cho rằng, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được ghi nhận, tiếp thu tối đa nhằm tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào Phiên họp tháng 9 tới./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến góp ý vào tổng thể nội dung Chương I, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh, quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, các hành vi bị nghiên cấm và các vấn đề khác của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

TS.Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh góp ý vào các quy định của Chương VII: An toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử.

TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý vào các quy định của Chương IV: Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Giám đốc Marketting Phạm Đức Tiến, Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam góp ý vào các quy định của Chương V: Giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba đề nghị rà soát kỹ dự thảo Luật này với Luật Công chứng, pháp luật về chứng thực, Luật Lưu trữ, Luật Công nghệ thông tin… để đảm bảo tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành.

TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rà soát, đánh giá sự tương tích của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ông Bruno Sivanandan, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu về quản lý giao dịch điện tử (thông qua đạo luật Thị trường Kỹ thuật số DMA và đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số DSA) và góp ý vào các quy định của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa đề cập giao dịch điện tử xuyên biên giới, xuyên quốc gia, giao dịch điện tử quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng báo cáo giải trình thêm về 9 nội dung của dự thảo như: chứng thư điện tử; hợp đồng số, hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh; vấn đề xung đột của dự thảo Luật này với các Luật khác có liên quan…

Bích Ngọc