Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6.2020. Theo kế hoạch, sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới. Qua xem xét, thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, đa số các đại biểu Quốc hội đều cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị công phu của Chính phủ và ủng hộ sự cần thiết sớm ban hành Luật này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu đóng góp rất nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc và đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến những quy định trong Dự thảo Luật.
Hiện nay, Dự thảo Luật đang được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH và một số cơ quan, tổ chức liên quan. Trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, nổi lên một số vấn đề lớn, trong dự thảo Luật còn nêu 2 phương án; có nội dung yêu cầu nghiên cứu thảo luận sâu hơn để quy định của Luật bảo đảm tính khả thi, thống nhất; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, “tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm” nhưng cũng phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, tốt hơn cho môi trường….
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chia sẻ, thời gian qua, các ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật đang tập trung vào một số vấn đề như đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường (Chương V); quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm (Chương VI); phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường (Chương X); công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường (Chương XI); các quy định về thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014; rà soát các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, cam kết, điều ước quốc tế liên quan; nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của hơn 10 quốc gia, đặc biệt nghiên cứu sâu kinh nghiệm của Hàn Quốc vì có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, tổ chức làm việc trực tiếp với một số Bộ để thống nhất nội dung dự thảo Luật với các luật khác.
Với mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững; thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, dự thảo Luật đã có nhiều chính sách, quy định mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.
Tại hội thảo các nhà khoa học, các chuyên gia, cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm sâu sắc không chỉ của các nhà quản lý mà đã trở thành sự quan tâm của khoa học và công nghệ. Thời gian qua, đã có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng mô hình và công nghệ thông tin đánh giá tác động lên môi trường từ các phát thải công nghiệp. Nhiều công nghệ đã được nghiên cứu và triển khai vào thực tiễn nhằm giảm thiểu, chủ động ứng phó với tác động tiêu cực lên môi trường. Trong đó, công tác quản lý chất lượng môi trường không khí, bao gồm quan trắc chất lượng môi trường không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải thì nội dung mô hình hóa chất lượng môi trường không khí cũng là một nội dung có đóng góp hết sức quan trọng theo Điều 13 về “Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí” ở mục 2 “Bảo vệ môi trường không khí” thuộc Chương II - Bảo vệ các thành phần môi trường.
Kết luận tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội... thực sự rất sâu sắc, chất lượng; ban soạn thảo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng rất cố gắng tiếp thu. Ủy ban đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều buổi làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan riêng để xin ý kiến tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là các ý kiến góp ý về tính khả thi của Luật khi tác động lớn đến nhiều lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học… Trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy điện, đánh giá tác động môi trường, các quy trình, quy định trong vấn đề xử lý chất thải, rất nhiều quy định mới được đưa vào. Các ý kiến góp ý đã được Ban tổ chức ghi nhận đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật trong bước tiếp theo./.