CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG LÊ QUANG HUY: TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC LẬP PHÁP

31/08/2022

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã có báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Ủy ban, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc. Từ đó, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật và tăng cường phối hợp có thực chất, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội

Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch sso 81/KH-UBTVQ15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Nhiều đổi mới thiết thực và hiệu quả

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được phân công, theo dõi và đôn đốc thực hiện theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 81 thì Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã tổ chức quán triệt để các thành viên của Tổ đảng, Thường trực Ủy ban, các thành viên của Ủy ban và đơn vị giúp việc, các nội dung Kết luận số 19-KL/TW, Đề án số 292, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; đồng thời ban hành Kế hoạch số 290 của Ủy ban nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó xác định cụ thể những nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và phân công trách nhiệm cho các tiểu ban phụ trách theo dõi, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, hàng tháng đều đánh giá, cập nhật tình hình thực hiện, có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh.

Theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được phân công 19 nhiệm vụ lập pháp, trong đó có 15 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát và 4 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng mới và gần đây được giao bổ sung 1 nhiệm vụ. Cho đến nay, trong tổng số 20 nhiệm vụ được phân công thì có 11 nhiệm vụ đã hoàn thành theo đúng tiến độ, còn 9 nhiệm vụ thì hạn thực hiện là ngày 31/12/2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về 3 nhiệm vụ thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 gồm dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2022, thống nhất trình Quốc hội để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022. Đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được chuẩn bị thẩm tra sơ bộ và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9.

Về 2 nhiệm vụ thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023. Hiện nay Thường trực Ủy ban đang tổ chức nghiên cứu các tài liệu có liên quan phục vụ cho công tác thẩm tra 2 dự án luật này trong thời gian sớm nhất.

Về 6 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các Luật Hóa chất, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, khoa học và công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Bưu chính đã được hoàn thành và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ được Bộ Công Thương dự kiến đưa vào chương trình xây dựng luật theo đúng kế hoạch. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, khoa học và công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa được Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các năm từ 2024 – 2026. Đối với Luật Bưu chính, viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có đề xuất sửa đổi, bổ sung ở thời điểm hiện tại. Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy về cơ bản, những nội dung của Luật Bưu chính sẽ được xử lý ở Luật Giao dịch điện tử và một số các luật khác có liên quan.

Toàn cảnh hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chia sẻ, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nêu trên thì Thường trực Ủy ban đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát thực tế, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, làm việc với các chuyên gia với sự tham gia rộng rãi của các thành viên Ủy ban, các bên có liên quan, nhất là các hội, hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu, các đối tượng chịu tác động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên với các cơ quan có liên quan, ví dụ như các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhằm bảo đảm công việc đạt được chất lượng cao nhất, đúng thời hạn, với phương châm "chuẩn bị từ sớm, từ xa, cùng đồng hành, tạo sự đồng thuận cao nhất, lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến của các bên có liên quan".

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy, qua triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15, ý thức, vai trò, trách nhiệm trong công tác lập pháp của các thành viên Ủy ban đã được nâng lên, đã ưu tiên tập trung cao độ về thời gian, nguồn lực cho xây dựng pháp luật; triển khai đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp đã được đề ra gắn với trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.

Về triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Ủy ban đã được phân công chủ trì thẩm tra 3 dự án luật trong năm 2022 và 2 dự án luật trong năm 2023. Trong đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Hiện nay Thường trực Ủy ban đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ dự án gửi xin ý kiến các cơ quan có liên quan về việc tiếp thu, giải trình dự án và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10) và bảo đảm đúng tiến độ, thời gian, chất lượng theo quy định.

Đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 thì ngay từ tháng 6/2022, Thường trực Ủy ban đã chủ động tổ chức khảo sát, hội thảo tại địa phương, có thêm cơ sở lý luận thực tiễn để xây dựng các báo cáo thẩm tra đối với hai dự án luật này. Đến nay dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nhất trí để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được Thường trực Ủy ban chuẩn bị xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9.

Đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023 thì hiện nay Thường trực Ủy ban đang tổ chức nghiên cứu các tài liệu có liên quan phục vụ cho công tác thẩm tra 2 dự án luật này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chia sẻ, mặc dù có sự chủ động và tích cực trong quá trình theo dõi, đôn đốc và có văn bản gửi các cơ quan có liên quan từ rất sớm để yêu cầu báo cáo nhưng vẫn còn có tình trạng chậm và đôi khi chất lượng chưa bảo đảm. Vẫn còn tình trạng chưa quan tâm đúng mức tới các công tác xây dựng pháp luật và gây khó khăn trong quá trình tổ chức nghiên cứu và rà soát. Việc nghiên cứu cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế, chuẩn bị luận cứ đánh giá tác động chính sách cũng chưa được quan tâm đúng mức và dành nguồn lực thỏa đáng. Trong khi đó, lực lượng của các đơn vị giúp việc cho Thường trực Ủy ban, các cơ quan có liên quan còn mỏng và sự phối hợp có lúc, có nơi chưa thực sự chặt chẽ và nhịp nhàng.

Từ những phân tích trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật, nhất là công tác nghiên cứu, rà soát các dự án luật đã được phân công cụ thể trong Kế hoạch số 81, tăng cường phối hợp có thực chất, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc triển khai thực hiện kế hoạch một cách đầy đủ, nghiêm túc, nhằm bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ yêu cầu, nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật, báo cáo đánh giá tác động, các tài liệu tham khảo. Đề nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ, nghiên cứu, rà soát và trình các dự án luật đúng theo tiến độ của kế hoạch.

Ngoài ra, trong công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan của Quốc hội cần quan tâm nâng cao kỹ năng lập pháp cho đại biểu Quốc hội, tăng cường năng lực, nhất là năng lực nghiên cứu, tham mưu chính sách của đơn vị tham mưu, giúp việc và tiếp tục chỉ đạo định kỳ sơ kết, tổng kết và công tác phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong triển khai kế hoạch.

Bảo Yến