Tham dự hội thảo có: TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng; đại diện các bộ, ngành có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn; Đại học Luật Hà Nội; Viện chiến lược và chính sách phát triển Nông nghiệp nông thôn;…
Cơ chế, chính sách về quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có nhiều vướng mắc
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, đất đai có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người và các hoạt động xã hội. Sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm, mang nặng tính hình thức, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế xã hội; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; …
TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Nhấn mạnh,cơ chế, chính sách về quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác có nhiều vướng mắc, bất cập, có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn, TS. Lê Hải Đường nêu rõ, hội thảo nhằm phân tích, làm rõ hơn cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn về những tồn tại, hạn chế, bất cập, qua đó có những đề xuất, kiến nghị xác đáng phục vụ cho việc sửa đổi chính sách về quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác trong dự án Luật Đất đai sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, chính sách, pháp luật về đất đai cho phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, ruộng đất manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước có thu nhập cao”, cần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013, hoàn thiện chính sách, quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Cho ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyên Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tình trạng sản xuất nông nghiệp với quy mô đất nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả đang là điểm nghẽn lớn trong thực hiện chủ trương phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững. "Bình quân 1 hộ sản xuất nông nghiệp có 2,5 thửa ruộng; diện tích bình quân 1 thửa 1.843,1 m2; mỗi hộ sử dụng diện tích đất là 0,45 ha/hộ (thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới). Tổng số hộ có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5 ha chiếm tới 63% số hộ sử dụng đất nông nghiệp. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển phát triển nông nghiệp, nông thôn...", ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyên Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương
Ở góc độ khác, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai bộc lộ nhiều yếu kém và mang nặng tính hình thức, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế xã hội: xây dựng quy hoạch chưa dựa trên các căn cứ khoa học về dự báo cung cầu, về đánh giá xu hướng phát triển khoa học công nghệ, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch đề ra không có cơ chế và giải pháp để giám sát thực hiện… Vì thế hầu hết quy hoạch cây công nghiệp, cây lâu năm ở các địa phương đều sản xuất bị vượt diện tích trong khi quy hoạch sản xuất lúa bị giảm diện tích.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp chưa cao, nhất là đất trồng lúa, đất rừng thấp, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người trồng lúa, trồng rừng; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đất nông nghiệp còn nhiều vướng mắc, là nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai ở nhiều địa phương;...
Hoàn thiện chính sách về quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích thực trạng của việc chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp; căn cứ khoa học và định hướng hợp lý cho việc xây dựng các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất lúa trong đó tập trung vào đất lúa, đất lâm nghiệp;… Trong đó, các ý kiến làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến những hạn chế trong công tác chuyển đổi đất nông nghiệp về quy hoạch, kế hoạch đất nông nghiệp; hạn mức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển đổi…; làm rõ tính hợp lý của diện tích đất trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển hiệu quả nền sản xuất nông nghiệp;…
Trên cơ sở làm rõ thực trạng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy định chuyển đổi đất nông nghiệp được thể hiện trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn , cần xác định cơ quan chức năng (bộ Nông nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Xây dựng,…) có trách nhiệm định kỳ tiến hành các nghiên cứu khoa học để có cơ sở chắc chắn xác định các cân bằng chiến lược như cân bằng cung cầu lương thực, cung cầu môi trường, cung cầu sử dụng nước, cung cầu vật liệu nền móng,… từ đó hình thành các căn cứ khoa học chắc chắn để xác định quỹ đất đai đảm bảo cho các nhu cầu an toàn về đất sản xuất lương thực; độ che phủ rừng; diện tích mặt nước sông suối; địa bàn khai thác vật liệu nền móng công trình,…).
Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong phạm vi nông nghiệp bằng cách cần phân loại lại, theo hướng giảm bớt các loại hình sử dụng đất trong nông nghiệp chi tiết (chỉ chia ra đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp). Bên trong 2 nhóm chính này, tùy theo yêu cầu quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (về đảm bảo an ninh lương thực, quản lý an toàn dịch bệnh, bảo vệ đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai,...) có thể chia ra thành các nhóm phụ nhưng đối với quản lý chung nhà nước về đất đai do Bộ Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm thì chỉ nên chia làm hai nhóm chính để giảm bớt thủ tục phức tạp cho người sử dụng khi tiến hành các thủ tục giao dịch về đất đai;…
Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên, PVT. Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và PTNT
Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên, PVT. Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất, cần hoàn thiện quy định về lấy ý kiến chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch, kế hoạch về nội dung thu hồi để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện các quy định về thẩm định nhằm nâng cao chất lượng công tác hoạch định chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên cho rằng, cần quy định đảm bảo sự thống nhất giữa chuyển mục đích sử dụng đất rừng với chuyển mục đích sử dụng rừng, trong đó cần ưu tiên trọng tâm đối với chuyển mục đích sử dụng rừng;..
Cũng tại hội thảo, một số ý kiến chuyên gia đề nghị: cần bổ sung vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về giải thích thuật ngữ “chuyển mục đích sử dụng đất”; bổ sung quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất để thực hiện dự án đầu tư cho phù hợp với quy định tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp; bổ sung vào quy định quyền chung của người sử dụng đất quyền "được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật";…/.