ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội Khóa XII thông qua vào năm 2010. Qua hơn 10 năm thực thi, các quy định tại Luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật; sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số… cũng như những yêu cầu, xu thế mới.
Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài.
Đại diện cơ quan soạn thảo làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ Công thương cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm xử lý, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để phù hợp với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các mô hình giao dịch xuyên biên giới, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan; sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng là cá nhân mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại. Việc sửa đổi khái niệm người tiêu dùng nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, phù hợp với xu hướng quy định tại nhiều nước.
Nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường, như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người bị bệnh hiểm nghèo,... dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu thán thành việc sớm sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các đại biểu cũng nhất trí cao với nội dung dự thảo Luật và kỳ vọng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tốt hơn, đặc biệt với những lĩnh vực đặc thù, trong đó có không gian mạng.
Một số vấn đề cụ thể cũng đã được các đại biểu trao đổi, phân tích như: Khái niệm người tiêu dùng, thông tin người tiêu dùng; khái niệm sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh...