Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật. Các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành; các Bộ, ngành cơ quan trung ương, chính quyền các cấp và các chủ thể liên quan khác đã chủ động, khẩn trương triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Xây dựng; ban hành các văn bản quy dịnh chi tiết, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của Luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật như: hiệu lực, hiệu quả nhà nước về xây dựng đã được nâng cao hơn, các hoạt động xây dựng ngày càng đi vào trật tự, nề nếp, bảo đảm, nâng cao chất lượng công trình xây dựng và hiệu quả đầu tư xây dựng, góp phần tạo lập thì trường xây dựng ngày càng công khai, minh bạch. Có thể nói Luật Xây dựng năm 2014 và kết quả triển khai thi hành Luật đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một só nội dung của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế. Vì vậy, Luật Xây dựng năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Phiên thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng:
Toàn cảnh Phiên họp Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng chiều ngày 04/10
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Tại Tờ trình nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xây đựng năm 2014. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi tường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng về thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng (Điều 60) đối với dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp Nhà nước, Ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với khái niệm mới về doanh nghiệp Nhà nước và đảm bảo tính thống nhất với Luật Doanh nghiệp dự kiến sẽ sửa đổi.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, khẳng định đây là dự án Luật rất quan trọng đồng thời đánh giá cao hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ. Về quy định chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, đại biểu đề nghị giữ chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức theo pháp luật hiện hành.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi và những nội dung trọng tâm tại dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định như dự thảo còn dài dòng, nhiều khoản tại Điều 4 quy định không mang tính nguyên tắc mà mang tính chính sách, khuyến nghị, cần quy định ngắn gọn, cô đọng hơn. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo nên cân nhắc không nên sử dụng thuật ngữ "đầu tư xây dựng" trong Luật.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, đề nghị, trong đối tượng áp dụng, các cơ quan chuyên môn về xây dựng cần bổ sung thêm các Ban quản lý dự án cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời kiến nghị cần có quy định cụ thể về cốt chuẩn xây dựng để đảm bảo tính nghiêm minh trong quản lý trật tự xây dựng.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể hóa làm rõ thêm các nội dung liên quan đến bảo hành, bảo trì, phá dỡ công trình, kiểm soát rác thải xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động; quy định về phát triển và sử dụng công nghệ mới, các vật liệu và sản phẩm xây dựng tiên tiến; xây dựng thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng quy định một số thuật ngữ đảm bảo rõ ràng, chính xác, dễ hiểu; làm rõ nội hàm các khái niệm như vùng nguy hiểm, thiết kế xây dựng, thiết kế FEED; phân biệt rõ thẩm tra, thẩm định… Việc cụ thể hóa một số chủ thể tham gia trong hoạt động đầu tư xây dựng có thể tạo khoảng trống trong quản lý; cần tính đến quá trình thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy và chức năng nhiệm vụ của các chủ thể.
Một số Đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham dự Phiên thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng chiều ngày 04/10.
Kết luận Phiên họp chiều 04/10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Phiên họp thẩm tra đã diễn ra sối nổi với nhiều ý kiến góp ý tương đối toàn diện về toàn bộ nội dung dự án Luật. Qua các ý kiến phát biểu, đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đồng thời đánh giá cao hồ sơ dự án Luật được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...