Ông Suos Yara - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác Quốc tế, Thông tin và Truyền thông của Quốc hội Campuchia; Ông Issara Sereewatthanavut - Thành viên Ủy ban về ngăn chặn và giám sát tham nhũng của Hạ viện Thái Lan, đồng chủ trì Phiên thảo luận.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chuyên đề 3 với chủ đề “Giải quyết mối quan hệ về An ninh lương thực - Năng lượng - Nước trong điều kiện khí hậu thay đổi”.
Cùng tham dự Phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Văn Khảm; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; đại diện các Vụ thuộc Văn phòng Quốc hội: Đối ngoại; Khoa học - Công nghệ - Môi trường; Kinh tế; Xã hội.
Tại phiên họp trực tuyến, các nghị viện thành viên ASEP tập trung thảo luận và đưa ra một số đề xuất nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ về an ninh lương thực - năng lượng - nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề 3, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn trình bày về mối liên hệ giữa nguồn nước - năng lượng - an ninh lương thực, thách thức đang đặt ra với Việt Nam và giải quyết mối quan hệ về an ninh lương thực - năng lượng - nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề 3
Đề cập đến mối liên hệ giữa nguồn nước - năng lượng - an ninh lương thực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, theo nghiên cứu của các chuyên gia, mối quan hệ nước, năng lượng và lương thực luôn có sự tương tác chặt chẽ và không thể tách rời. Nếu không có nguồn nước thì sẽ không có nước tưới cho cây trồng cũng như không có nguồn năng lượng được tạo từ các nhà máy thủy điện. Đồng thời, con người cũng cần năng lượng để tạo ra lương thực và giúp xử lý nước và ngược lại lương thực cũng góp phần quan trọng tạo ra nguyên liệu để hình thành năng năng lượng.
Theo dự báo, đến năm 2030, con người trên Trái đất sẽ cần thêm 40 % nhu cầu về năng lượng, 50 % nhu cầu thực phẩm và 30 % nhu cầu nước. Vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước, năng lượng và an ninh lương thực trong bối cảnh dân số tăng nhanh cũng như việc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi mô hình sử dụng nguồn tài nguyên nước, cũng như đang đặt ra những thách thức lớn không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho toàn nhân loại.
Cũng tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đã chỉ rõ một số thách thức đang đặt ra với Việt Nam. Cụ thể:
Một là, Việt Nam có tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số vùng miễn do hạn hán hoặc xâm mặn, hoặc do ô nhiễm nước. Ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn, mạng lưới thủy lợi chưa tới thì cũng có tình trạng thiếu nước cho sản xuất lương thực. Lượng nước trên các sông, suối đang có xu hướng giảm mạnh do suy giảm thảm phủ thực vật, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Mực nước của nhiều sông hiện đang giảm ở mức thấp nhất trong 30 - 40 năm trở lại đây. Trữ lượng nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn của nhiều dòng sông lớn như sông Hồng, Sông Mê Kông, khoảng 63% lượng nước của Việt Nam xuất phát từ các sông liên quốc gia chảy vào, chỉ có 37% sản sinh trên lãnh thổ. Lưu lượng nước trên các sông quốc tế chảy vào Việt Nam có xu hướng giảm mạnh do tác động của hoạt động khai thác nước của các quốc gia thượng nguồn.
Hai là, năng lực tưới của hệ thống thủy lợi của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng cho 36,5 % diện tích đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Nguyên nhân do thiếu hệ thống trữ nước, kết nối, liên kết nguồn nước; nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, hệ thống phân phối nước chủ yếu là kênh, mương hở, chưa được bê tông hóa nên tỷ lệ thất thoát nước, tỷ lệ bốc hơi nước cao. 85 % lượng nước mặt ở Việt Nam dành cho nông nghiệp, thiếu nước sẽ dẫn đến giảm năng suất cây trống, gây ra thiếu hụt lương thực và mất an ninh lương thực. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa cao, dẫn đến thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và thay đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với nguồn nước ngọt suy giảm sẽ kéo theo an ninh lương thực bị de dọa.
Ba là, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất điện. Cả nước có khoảng 800 nhà máy thủy điện, trong đó có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, cung cấp khoảng 35% lượng điện quốc gia với tổng dung tích hồ chứa trên 54 tỷ m3, chiếm 86 % tổng dung tích hồ chứa cả nước. Theo nghiên cứu, nhu cầu điện của Việt Nam không ngừng tăng lên, theo sự phát triển của đất nước. Trong Tổng sơ đồ điện VII, Việt Nam tiếp tục xác định thủy điện là nguồn năng lượng chính. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để biến thủy điện thành nguồn năng lượng thực sự thân thiện với môi trường, ít tác động lên thiên nhiên và cộng đồng vẫn chưa có lời giải.
Bốn là, biến đổi khí hậu làm gia tăng các tình trạng thời tiết cực đoan, hiện tượng hạn hán, kéo theo tình trạng thiếu nước; hạ thấp mức nước ở các sông ảnh hưởng đến hoạt động của các công trình thủy lợi.
Phiên thảo luận chuyên đề 3 được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Để giải quyết mối quan hệ về nguồn nước - năng lượng - an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đã đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế, trong đó bao quát các mối tương quan về nước, năng lượng và an ninh lương thực.
Thứ hai, thực hiện tốt các giải pháp về phát triển thủy lợi, năng lượng thủy điện, an ninh lương thực quốc gia; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong trữ nước, cấp nước và tưới nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tương ứng với khả năng cấp nước.
Thứ ba, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy.
Thứ tư, kiểm soát tốt việc vận hành, điều tiết đơn hồ, liên hồ chứa thủy điện, thủy lợi; bảo đảm hài hòa nước cấp cho thủy điện, thủy lợi và phòng chống thiên tai đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Thứ năm, đối với an ninh lương thực, cần thực hiện tốt các giải pháp: Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực, gắn với thị trường; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực; Đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi; Phát triển hệ thông thông tin, truyền thông về an ninh lương thực quốc gia; Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Thứ sáu, tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hợp tác quốc tế giữa các quốc gia về tài nguyên nước, sản xuất năng lượng và an ninh lương thực./.