PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN DỰ HỘI NGHỊ THÚC ĐẨY NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO VIỆT NAM

14/05/2019

Sáng ngày 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thạo, Thứ trưởng Bộ Công thường Đặng Hoàng Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành hữu quan, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cơ khí Việt Nam và Tổng hội cơ khí Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện, trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, cơ khí chế tạo là ngành kinh tế có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, vừa là nền tảng, vừa là động lực cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội, bởi vì đây là ngành công nghiệp sản xuất ra máy móc, thiết bị cung cấp công cụ cho các ngành kinh tế khác.

Ở Việt Nam cơ khí là một trong những ngành được Đảng và Nhà nước ta luôn đặt ở vị trí quan trọng, nhiều định hướng và chiến lược đã được ban hành, ưu tiên từng bước cho phát triển và đã đạt được những tiến bộ nhất định. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng theo từng năm, một số phân ngành cũng đã có sự chuyển biến đáng kể, nhiều thiết bị đã được sản xuất trong nước.

Trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước, công nghiệp cơ khí được coi là khâu then chốt để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Trong những năm vừa qua, với mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước nội địa hoá linh kiện, phụ kiện để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây đang được coi là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Xét trên cả tầm nhìn trung hạn và dài hạn, không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí bởi công nghiệp cơ khí liên quan tới hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo quan trọng như ôtô, xe máy, hóa dầu, điện, điện tử, chế tạo máy…

Để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ trong ngành cơ khí, thời gian qua đã có các Chương trình Nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước như Chương trình Nghiên cứu khoa học Cơ khí chế tạo, Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí, tự động hóa Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia… Ngành cơ khí đã mở rộng nhiều trung tâm nghiên cứu triển khai. Qua các trung tâm này, nhiều công trình được ứng dụng, một số sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế, tỷ lệ nội địa hóa đạt mức độ cao ở một số sản phẩm...

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long báo cáo hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại trong phát triển. Cơ khí, chế tạo chưa đóng vai trò là ngành công nghiệp nền tảng như mong muốn; chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập; chưa có công nghệ hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành; chưa có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững cũng như chưa đáp ứng cơ bản các yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước. Nhất là chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo. Công nghiệp cơ khí, luyện kim... đạt thấp. Các đơn vị tư vấn chưa làm chủ được thiết kế; các sản phẩm chuyên ngành, các linh, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao chưa làm được. Tỷ lệ nội địa hóa ở các doanh nghiệp FDI chưa cao, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo của Việt Nam còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp FDI rất mong muốn phối hợp với các nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng rất khó có thể tìm được các nhà cung cấp thích hợp. Nhiều chính sách cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn trong quá trình triển khai.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã bước sang giai đoạn mới, ở mức rất cao của cách mạng công nghiệp, nhưng trình độ khoa học và công nghệ của nước ta hiện nay còn thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực, năng lực sáng tạo công nghệ mới còn rất hạn chế… ngành cơ khí chế tạo chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mong mỏi, nguyện vọng của người dân. Thách thức lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay là sự yếu kém về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Điều này đòi hỏi khoa học và công nghệ nói chung, ngành cơ khí chế tạo nói riêng phải góp phần quan trọng hơn nữa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định vấn đề sáng tạo, cơ khí chế tạo là vấn đề quan trọng. Qua thực tiễn làm việc tại các cơ sở cơ khi trong nước như Nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Tập đoàn Thaco, Tổ hợp sản xuất Vinfast… cho thấy công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước đã có những bước phát triển. Song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng, nếu như trước đây công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước đứng hàng đầu trong khu vực thì nay đã tụt hậu và các nước vượt trước rất xa. Sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước chưa đạt yêu cầu và chưa thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, vấn đề đặt ra là tìm được nguyên nhân, giải quyết về hệ thống pháp luật hiện nay như thế nào, trách nhiệm của Quốc hội trong công tác lập hiến lập pháp, vấn đề tổ chức thực hiện điều hành chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành cũng như việc thực hiện của các doanh nghiệp. Giải quyết vấn đề thiếu liên kết, phối hợp của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước;  vấn đề định hướng chiến lược phát triển của ngành cơ khí chế tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Do đó, các ý kiến tại hội nghị phản ánh, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các chính sách và giải pháp tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ phát triển ngành cơ khí chế tạo là dịp để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Trung ương lắng nghe, có thêm thông tin. Từ đó góp phần tham gia xây dựng nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bàn về tổ chức thực hiện cho tốt hướng đến phát triển của ngành cơ khí chế tạo trong nước xứng tầm với các nước trong khu vực.

Ý kiến thu nhận được tại Hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tổng hợp báo cáo với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc chuẩn bị xây dựng Văn kiện trình Đại hộc Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021- 2025.

Bảo Yến