ĐOÀN GIÁM SÁT ỦY BAN ĐỐI NGOẠI KHẢO SÁT TÌNH HÌNH SẠT LỞ ĐÊ BIỂN TÂY, TỈNH CÀ MAU

26/08/2019

Thực hiện chương trình giám sát về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, sáng 26/8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Đối ngoại do ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tình hình sạt lở trên tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Đoàn giám sát thực địa

Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển của tỉnh Cà Mau bị mất gần 9.000 ha. Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57 km, nhiều đoạn xói lở sâu vào thân đê, nguy cơ vỡ đê cao. Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay đã có trên 3 km bờ sông bị sạt lở. Hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38 km, ảnh hưởng hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, cần phải sớm được di dời.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau đã huy động nhiều nguồn lực xử lý, khắc phục các điểm sạt lở bờ sông, ven biển với tổng kinh phí hơn 950 tỷ đồng.

Qua khảo sát thực tế, Ông Nguyễn Sỹ Cương- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đánh giá cao việc ứng phó với biến đổi khí hậu của tình Cà Mau, nhất là tình hình sạt lở đê biển. "Kè thì hiện nay đã làm khá kiên cố rồi nếu không giữ được thì đê sẽ bị hư hại và ảnh hưởng đến tuyến đê ở bên trong, nếu không có giải pháp thi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sông người dân nên bảo vệ đê là cấp bách." – ông Nguyễn Sỹ Cương chỉ đạo.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng những giải pháp ứng phó sạt lở của Cà Mau hiện nay chỉ là tạm thời và cần phải có giải pháp căn cơ về lâu dài.

Chiều cùng ngày, Đoàn có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về biển đổi khí hậu mà Việt Nam là thanh viên./.

Vũ Thạch