LIÊN MINH NGHỊ VIỆN PHÁP NGỮ (APF) TÍN NHIỆM VÀ ĐÁNH GIÁ CAO NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

27/01/2021

Với vai trò quan trọng và là thành viên tích cực của Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Quốc hội Việt Nam liên tục được các Phân ban thành viên APF tín nhiệm và đánh giá cao.

Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF) vừa tham dự Hội nghị Ban Chấp hành APF được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Phân ban Vũ Hải Hà cùng một số đại biểu Quốc hội, Thư ký Phân ban tham dự Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có khoảng 40 đại biểu là các nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành APF, Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và một số tổ chức quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) - Chủ tịch APF Amadou Soumahoro và Tổng Thư ký nghị viện - Nghị sĩ Pháp Jacques Krabal chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, đại diện các nước đều tín nhiệm, đánh giá cao vai trò quan trọng của Quốc hội Việt Nam với tư cách là thành viên của Liên minh APF.


Hội nghị Ban Chấp hành APF được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Quốc hội Việt Nam là quan sát viên của Hiệp hội quốc tế các nghị sĩ sử dụng tiếng Pháp (AIPLF)  từ năm 1974 và là thành viên chính thức APF năm 1991. Trong bối cảnh Việt Nam vừa tiến hành công cuộc đổi mới, việc gia nhập AIPLF đã tạo điều kiện mở rộng hoạt động quốc tế tại Cộng đồng Pháp ngữ mà thành viên gồm cả những quốc gia phát triển (Pháp, Canada, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sỹ...) và các quốc gia đang phát triển khu vực châu Phi, châu Á.

Năm 1996, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành AIPLF (Ban Chấp hành là cơ quan đại diện cao nhất của tổ chức gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Chủ tịch các Ủy ban, các thành viên được bầu), là hội nghị liên nghị viện quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ năm 1997.

Với vai trò quan trọng và là thành viên tích cực của APF, Quốc hội Việt Nam liên tục được các Phân ban thành viên APF tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch của tổ chức. Kể từ năm 2015, theo đề xuất của ta để tránh Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch APF quá lâu, Vùng đã thực hiện cơ chế luân phiên các vị trí chủ chốt. Theo đó nhiệm kỳ 2015-2017, Việt Nam là Chủ tịch Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong APF; nhiệm kỳ 2017-2019, Việt Nam là thành viên Hội đồng Điều hành mạng lưới nữ nghị sĩ APF; nhiệm kỳ 2019-2021, Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch APF.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Phân ban Việt Nam Vũ Hải Hà tham dự Hội nghị.

Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động quan trọng của APF đã được tổ chức ở Việt Nam như các Hội nghị cấp Ủy ban của APF và các hội thảo chuyên đề như Hội nghị Ủy ban về các vấn đề nghị viện (3/2017), Hội nghị lần thứ 7 Vùng châu Á - Thái bình Dương trong APF (12/2015)... APF cũng đã dành cho Quốc hội Việt Nam dự án nhằm tăng cường ngôn ngữ tiếng Pháp tại quốc gia thành viên thông qua việc tổ chức khóa đào tạo tiếng Pháp, cung cấp phần mềm biên phiên dịch, một số khóa thực tập cho cán bộ nghị viện (Dự án NORIA). APF đánh giá cao hoạt động của Việt Nam, khẳng định thông qua Việt Nam, APF có thể đẩy mạnh hoạt động của APF, tăng cường sự hiện diện của APF và tầm ảnh hưởng của khối Pháp ngữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 02/2019, Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị của Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa (CECAC) và Mạng lưới Nữ nghị sĩ (RF) trong APF.

Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ góp phần thúc đẩy nền dân chủ, nhà nước pháp quyền, quyền con người, quảng bá sự đa dạng văn hóa

Nhìn lại lịch sử, tháng 5/1967, các nghị sĩ đến từ nghị viện của 23 quốc gia thuộc châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu, châu Đại dương họp tại Luxembourg đã thông qua Hiến chương thành lập Hiệp hội quốc tế các nghị sĩ sử dụng tiếng Pháp (AIPLF-l’Association internationale des parlementaires de langue française). AIPLF đã chủ trương hình thành tổ chức liên chính phủ của Cộng đồng Pháp ngữ, một trong những tiền đề thành lập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT) – tiền thân của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) hiện nay được thành lập vào năm 1970. Sự kiện này khẳng định các quốc gia nói tiếng Pháp đã chính thức thành lập tổ chức chính phủ gồm  49 quốc gia trên khắp các châu lục, tạo ra một không gian địa lý, văn hóa đa dạng, cùng hướng tới sự đoàn kết, hợp tác và phát triển chung đồng thời vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa của các bên tham gia.


Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ.

Năm 1997, Hội nghị cấp cao lần thứ VII các nước sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội thông qua những quyết định quan trọng về thể chế của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), chính thức công nhận AIPLF là Cơ quan tham vấn liên nghị viện của OIF (năm 1998, AIPLF quyết định đổi tên là Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF). Hiến chương của Cộng đồng Pháp ngữ quy định, APF là nghị viện tham vấn của Cộng đồng Pháp ngữ. APF tập hợp cơ quan lập pháp cấp quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có toàn bộ hoặc một phần dân cư sử dụng tiếng Pháp (gọi là Phân ban trong APF). Như vậy, APF đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy nền dân chủ, nhà nước pháp quyền, quyền con người, quảng bá sự đa dạng văn hóa.

APF hiện nay có 88 Phân ban thành viên (55 thành viên chính thức, 14 thành viên liên kết và 19 quan sát viên) và là một trong số ít các tổ chức liên nghị viện thứ hai (sau Liên minh Nghị viện thế giới) có thành viên đến từ khắp các châu lục. APF cho phép kết nạp các nghị viện các Vùng tự trị, Nghị viện bang đối với các nhà nước liên bang. Hoạt động thông qua kỳ họp Đại hội đồng (thường niên), các kỳ họp Ban Chấp hành, họp các Ủy ban (Ủy ban chính trị; Ủy ban các vấn đề nghị viện; Ủy ban giáo dục, truyền thông và các vấn đề văn hóa;  Ủy ban Hợp tác – Phát triển),  Mạng lưới Nữ nghị sĩ và Mạng lưới nghị sĩ trẻ. APF phân chia theo khu vực địa lý các Vùng: Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương.


Phân ban Việt Nam tham dự Hội nghị.

Ban Chấp hành APF gồm các Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Nghị viện, Chủ tịch các Ủy ban, Chủ tịch các Mạng lưới, Chủ tịch các Vùng và các thành viên được bầu cho nhiệm kỳ 2 năm. APF khẳng định vai trò thông qua những đề xuất, kiến nghị mang tính chất định hướng chính trị và ý kiến về các vấn đề thời sự quốc tế đối với các cơ quan của Cộng đồng Pháp ngữ đề xuất ý kiến để Hội nghị thượng đỉnh xem xét quyết định, tham gia giám sát đảm bảo tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động do Hội nghị Thượng đỉnh đề ra; đồng thời hướng tới hợp tác nghị viện trong khối Pháp ngữ, nhằm mục tiêu nâng cao vai trò quốc tế của các nghị sĩ./.

Bích Lan

Các bài viết khác