ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM DỰ PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH IPU

25/05/2021

Tiếp tục chương trình Đại hội đồng IPU-142, ngày 25/5, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự trực tuyến phiên họp Hội đồng điều hành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU).

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên họp trực tuyến Hội đồng điều hành IPU

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội có: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco điều hành phiên họp.

Tại phiên họp, Hội đồng điều hành xem xét thảo luận các biện pháp nhằm mở rộng thành viên IPU; nghe báo cáo tài chính năm 2020; các phiên họp của IPU trong thời gian tới; xem xét, quyết định việc ban hành giải thưởng Cremer-Passy của IPU nhằm trao cho các nghị sĩ, nhóm nghị sĩ có đóng góp nổi bật vào việc bảo vệ, thúc đẩy các mục tiêu của IPU, vì một thế giới đoàn kết, công bằng, an ninh, bền vững hơn; hoạt động của các Ủy ban và các cơ quan khác của IPU…

Thảo luận về tình hình tài chính của IPU năm 2020, các đại biểu tán thành với báo cáo đồng thời cho rằng mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 song IPU vẫn duy trì các khoản chi và sử dụng một cách hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề như ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, duy trì hòa bình và phát triển bền vững; đánh giá cao việc Ủy ban Tài chính của IPU đã kiểm soát tốt tình hình tài chính, duy trì ổn định quỹ và có số dư. Các đại biểu cũng kỳ vọng khi đại dịch qua đi, nguồn quỹ sẽ được bổ sung nhiều hơn để có thể tiếp tục chi cho các mục tiêu đã đề ra.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco điều hành phiên họp

Các đại biểu cũng cơ bản tán thành về các dự kiến hoạt động của IPU trong thời tới như việc tổ chức Hội nghị trực tuyến nghị viện điện tử toàn thế giới – Đổi mới và công nghệ tại nghị viện sau COVID-19; Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần đầu tiên về chống khủng bố với sự tham gia của IPU và Liên hợp quốc; đặc biệt là việc tổ chức trực tiếp Hội nghị các Nữ Chủ tịch quốc hội thế giới lần thứ 13 và Hội nghị các Chủ tịch quốc hội thế giới lần thứ 5 tại thủ đô Viên của Áo dự kiến vào tháng 9/2021...Các đại biểu bày tỏ mong muốn tình hình dịch bệnh sớm cải thiện để các hoạt động của IPU được diễn ra như thông lệ, để các đại biểu có dịp được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp.

Cũng tại phiên họp, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã công bố kết quả bầu các thành viên của Ủy ban Nhân quyền của nghị sỹ và thành viên của Ủy ban về các vấn đề Trung Đông.

Trước đó, trong phiên họp ngày 24/5, Hội đồng điều hành đã nghe và thảo luận các báo cáo tóm tắt phiên họp lần thứ 206 của Hội đồng Điều hành; báo cáo hoạt động của Chủ tịch IPU kể từ phiên họp lần thứ 206 của Hội đồng điều hành IPU và tầm nhìn của Chủ tịch IPU trong thời gian tới; báo cáo thường niên về hoạt động của IPU năm 2020; việc thực hiện Chiến lược của IPU giai đoạn 2017 - 2021, định hướng chiến lược mới của IPU trong giai đoạn 2022 - 2026 và tổng quan về tình hình quan hệ giữa IPU và Liên hợp quốc. Hội đồng Điều hành đã nhất trí bầu Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, Nội vụ và Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Quốc gia Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) Ali Rashed Al Noaymi vào Ban Chấp hành thay ông Abdel Aal (Ai Cập) kết thúc nhiệm kỳ. Hội đồng điều hành cũng tiến hành bỏ phiếu bầu 6 thành viên của Ủy ban Nhân quyền của nghị sĩ và 2 thành viên của Ủy ban về các vấn đề Trung Đông.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã công bố kết quả bầu các thành viên của Ủy ban Nhân quyền của nghị sỹ và thành viên của Ủy ban về các vấn đề Trung Đông

Theo dự kiến chương trình, ngày 26/5, Đại hội đồng IPU-142 sẽ được tổ chức trực tuyến và thảo luận chủ đề về “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn: Vai trò của các nghị viện”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, dự hội nghị sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội đồng./.

Bảo Yến