Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi)

13/10/2015

Sáng 13/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật                 Ảnh: Đình Nam

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 đã bộc lộ những bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc ký kết điều ước quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Ủy ban Đối ngoại tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật đã được Chính phủ trình bày cụ thể tại Tờ trình, đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến điều ước quốc tế và nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật từ năm 2005.

Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) gồm 9 chương với 90 điều, giảm 17 điều so với 107 điều của Luật điều ước quốc tế năm 2005, trong đó giữ nguyên nội dung 10 điều, sửa đổi 73 điều (sửa đổi nội dung và sắp xếp lại thành 60 điều trong dự thảo), bỏ 24 điều và bổ sung 20 điều mới, thay đổi vị trí của một số điều cho phù hợp bố cục mới của dự thảo Luật.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, đầy đủ của Ban soạn thảo trong việc xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận như: tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ giữa dự án Luật với hệ thống pháp luật trong nước; tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật...

Về tên gọi của dự án Luật, Chính phủ kiến nghị sửa tên gọi của Luật thành “Luật Điều ước quốc tế” vì tên của Luật hiện hành dài mà chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật và để bảo đảm tính khái quát, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn quốc tế.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu tại phiên họp

Không đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự án Luật. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, cách giải thích của Ban soạn thảo không thuyết phục, nếu thay đổi để ngắn gọn thì không cần thiết.

Về giám sát hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo rà soát lại dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để thể hiện lại các quy định tại dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) theo hướng tránh trùng lắp và chỉ quy định những nội dung giám sát điều ước quốc tế có tính chất đặc thù.

Về phê chuẩn điều ước quốc tế, ngoài các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật quy định Quốc hội phê chuẩn "điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội". Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn nội hàm của những điều ước nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ cũng như trình tự đàm phán để ký kết gia nhập điều ước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa phát biểu tại phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ  Quốc hội và tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Vân Ngọc