Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra việc gia nhập Công ước La Hay
Theo Báo cáo về việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Chính phủ, Công ước Tống đạt là điều ước quốc tế đa phương do Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua ngày 15/11/1965, có hiệu lực từ ngày 10/02/1969. Hiện nay, có 68 quốc gia tham gia là thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau. Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka… đã là thành viên của Công ước.
Mục tiêu của Công ước bao gồm: Thứ nhất, xây dựng một hệ thống có thể đảm bảo rằng người được tống đạt có đủ thời gian để bảo vệ quyền lợi của mình; Thứ hai, đơn giản hóa phương thức tống đạt giấy tờ từ quốc gia yêu cầu đến quốc gia được yêu cầu; Thứ ba, đưa ra được bằng chứng là tống đạt đã được hoàn thành dưới hình thức là giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất.
Công ước có 31 điều và 01 Phụ lục bao gồm các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Bản tóm tắt giấy tờ được tống đạt. Nội dung của Công ước tập trung quy định 2 vấn đề chính là: Thứ nhất, về thủ tục tống đạt giấy tờ; Thứ hai, về bảo vệ bị đơn trước hoặc sau khi bị xét xử vắng mặt trong trường hợp giấy triệu tập đã được tống đạt theo quy định.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, về mặt chính trị, việc Việt Nam gia nhập Công ước Tống đạt một mặt thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mặt khác thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những vấn đề tư pháp quốc tế.
Về kinh tế- xã hội, việc gia nhập Công ước Tống đạt sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại và qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam thông qua việc nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho biết, việc đề xuất gia nhập Công ước La Hay được tiến hành theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Nội dung của Công ước về cơ bản phù hợp, không có nội dung nào trái với các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Việc tham gia Công ước đảm bảo lợi ích của công dân Việt Nam cũng như quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mai. Hồ sơ về việc gia nhập Công ước La Hay có đầy đủ các văn bản theo luật định, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cao với các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại. Các đại biểu cho rằng, về bản chất Công ước La Hay là điều ước quốc tế nhân danh nhà nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự chứ không phải điều ước quốc tế về quyền con người (theo điểm c khoản 2 Điều 7 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế) mặc dù có một số quy định liên quan đến đảm bảo quyền tố tụng của đương sự nhưng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Do đó, Công ước này không phải trình ra Quốc hội quyết định việc gia nhập theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp 2013 theo quy trình được quy định tại khoản 7 Điều 51 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Chủ tịch nước quyết định gia nhập Công ước La Hay theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.