Tham gia phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan, doanh nghiệp, chuyên gia cùng các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại diện cơ quan chủ trì soạn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, theo chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội thì tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo nhận thấy các nội dung sửa đổi, bổ sung của mỗi luật là rất lớn nên Chính phủ đã có văn bản để xin trình sửa đổi riêng đối với từng luật. Theo đó, Chính phủ sẽ trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, pháp triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành. Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của luật để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Dự thảo Luật Doang nghiệp (sửa đổi) gồm 11 chương và 219 điều, nhiều hơn 1 chương và 6 điều so với luật hiện hành. Dự thảo Luật sửa đổi 60 điều, bãi bỏ 02 điều, 05 khoản, 02 điểm, bổ sung 01 chương về hộ kinh doanh. Các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của dự thảo luật gồm đăng kí doanh nghiệp, quản trị công ty trách nhiệm hữu quan và công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp; đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi luật tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong luật hiện hành trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh; gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đánh giá cao nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Doanh nghiệp lần này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến rộng rãi trong cộng động doanh nghiệp. Theo đó các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng dự thảo Luật lần này được sửa đổi mang tính cách mạng, có thể được coi là Luật Doanh nghiệp thế hệ mới. Trong đó có hai nội dung mang tính đột phá là việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật và đưa ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh để nâng cao tổ chức, quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông tệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc lý giải việc đưa hộ kinh doanh vào luật điều chỉnh phù hợp với xu thế, bảo đảm minh bạch, tạo địa vị pháp lý vững chắc cho hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và bảo vệ cho các hộ kinh doanh cũng như đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chủ hộ như trách nhiệm đối với người lao động.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng nhấn mạnh hiện nay là thời điểm thích hợp để có tổng kết, đánh giá hoạt động của hộ kinh doanh để có ứng xử phù hợp. Song Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nếu điều chỉnh thì phải giải quyết được những vấn đề phát sinh hiện nay, bảo đảm được điều kiện phát triển cũng như bảo đảm quản lý, quản lý không phải là tạo ra các thủ tục, hàng rào gây cản trở mà tạo ra môi trường bình đẳng phát triển. Trong đó cần lưu ý đến quy định về thuế, đăng kí kinh doanh.
Bên cạnh đó cũng có đại biểu đề nghị cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu bế mạc phiên họp
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bổ sung báo cáo đánh giá tác động về các nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh, cũng như bổ sung dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết đính kèm để bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Lưu ý bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quan tâm đến quy định chuyển tiếp.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận ý kiến của các đại biểu và khẳng định, với các ý kiến hợp lý sẽ được tiếp thu, nếu không sẽ có giải trình thấu đáo. Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 tới./.