NGÀNH DẦU KHÍ CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN THÁCH THỨC

10/09/2018

Nhằm chuẩn bị báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, ngày 10/9, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Hội dầu khí Việt Nam tổ chức tọa đàm "Ngành dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 – Phát triển và hội nhập".

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ và toàn diện đến tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên toàn thế giới với tốc độ công nghệ đột phá…. Các nước trên thế giới đã và đang tích cực xây dựng kế hoạch triển khải trên diện rộng mang tính tổng thể ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực y học, trí tuệ nhân tạo, sản xuất… Bên cạnh những tác động tích cực, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức nói chung, ngành Dầu khí nói riêng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: từ giai đoạn 2006 đến nay, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ, ngành dầu khí cũng tồn tại một số vấn đề, đặc biệt là đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị rất nhiều vấn đề đã đặt ra, trong đó có ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để tập đoàn Dầu khí hoạt động và phát triển trên cơ sở lợi thế so sánh. Bên cạnh đó xác định rõ trong chiến lược phát triển thì ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp hay một số sản phẩm công nghiệp để áp dụng cộng nghiệp 4.0. Ngoài ra, phát triển các cụm công nghiệp liên kết để xây dựng chuỗi giá trị, trong đó hình thành một nền công nghiệp dầu khí.

Tại tọa đàm, các đại biểu đặt vấn đề, thời gian tới, hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí sẽ ngày càng khó khăn do trữ lượng của các mỏ chủ lực đang suy giảm, các lô mở còn khai thác hạn chế…trong khi đó giá dầu thô vẫn duy trì ở mức thấp và có xu hướng giảm. Những vấn đề này đặt ra khiến nhiều người lo ngại về vai trò quan trọng của ngành dầu khí đối với nền kinh tế như bấy lâu nay, liệu có nên tiếp tục mở rộng đầu tư để dầu khí trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước? Liệu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 có giải quyết được các nút thắt này? …

Nhiều ý kiến cho rằng, công nghiệp 4.0 liên kết công nghệ thực và ảo, tự động hóa với dây chuyền sản xuất thông minh có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, đòi hỏi đổi mới tư duy trong quản lý và điều hành, xem khoa học và công nghệ là công cụ quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Các công ty dầu quốc gia phải tái cấu trúc, tối đa hóa lợi nhuận tích hợp từ chuỗi giá trị, ứng phó kịp thời và hiệu quả với sự biến động của thị trường. Do vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, liên tục phát huy sáng kiến, làm chủ và cải tiến kỹ thuật, từ đó tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Người lao động cần phát huy hơn nữa tinh thần lao động sáng tạo, nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh ở tất cả các khâu.

Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn

Chia sẻ những khó khăn, thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành dầu khí hiện nay, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cũng cho biết, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn. Hoạt động tìm kiếm thăm dò trong 8 tháng năm 2018 cũng chỉ mới đạt 2 triệu tấn do PVN không có nguồn tài chính và cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện. Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện nay. Trong khi đó, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp và chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San phát biểu

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế … và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, những điều khoản ưu đãi của Luật dầu khí sửa đổi 2008 không còn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong bối cảnh biến động giá dầu và bất ổn an ninh Biển Đông hiện nay. Việc thực thi các hợp đồng dầu khí nước ngoài bị chi phối bởi 3 bộ- Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương với các luật Đầu tư, Đầu tư công, Quản lý vốn nhà nước và Nghị định đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí – nên quy trình rắc rối, khó thực hiện, kéo dài, gây nguy cơ về pháp lý cho người thực hiện. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San đề nghị cần bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản pháp quy dưới Luật phù hợp với hiện trạng kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước kích thích đầu tư nước ngoài tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế, các vùng khó khăn nước sâu, xa bờ…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, ngành công nghiệp dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, do đó cần có chính sách phù hợp để phát triển toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí. Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời sẽ tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất nhằm xem xét bổ sung sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019-2020./.

Lê Phương