Thực hiện Nghị quyết số 106/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020, dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Thực hiện Nghị quyết số 977/NQ-UBTVQH14 của về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 9/2021.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều; trong đó sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều của Luật hiện hành. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được ban hành với mục tiêu: Hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm 3 minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì điều hành nội dung phiên họp
Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, kinh doanh bảo hiểm là ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt, có liên quan đến các chính sách tài chính, an toàn, bảo đảm môi trường đầu tư. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm là vấn đề lớn mà lãnh đảng Đảng, Nhà nước, Nhân dân quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 20 năm qua, lĩnh vực bảo hiểm trong nước đã phát triển mạnh, bao trùm nhiều đối tượng, huy động được nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Trong quá trình sửa đổi cần đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành Luật thời gian qua, ghi nhận những kết quả đạt được, phân tích khái quát được tình hình, tăng tính thuyết phục về sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) thông qua các số liệu, thông tin được cung cấp đầy đủ như số liệu thị trường, thị trường bảo hiểm như thế nào, bao nhiêu doanh nghiệp bảo hiểm, các chi phí, kết quả kinh doanh của ngành bảo hiểm đóng góp vào GDP nền kinh tế, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực này; mục tiêu phát triển ngành kinh doanh bảo hiểm…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị làm rõ nội dung cốt lõi của việc ban hành luật để vừa tăng tính thuyết phục vừa bảo đảm nội dung sửa đổi, bổ sung được tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, để bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng cần làm rõ những nội dung nào và trong giai đoạn mới cần giải quyết những vấn đề nào; để khắc phục những bất cập, hạn chể của luật hiện hành thì cần chỉ rõ những nội dung hạn chế tồn tại và nguyên nhân; bảo đảm thống nhất đồng bộ hệ thống pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, kinh doanh bảo hiểm cũng phải theo xu hướng chung của kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Do đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bảo hiểm có thể gia nhập thị trường và kinh doanh, phát triển được bảo hiểm vừa phòng ngừa rủi ro vừa lành mạnh môi trường đầu tư, phát triển được một kênh động vốn với thị trường khổng lồ cho nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý dự án luật này điều chỉnh lĩnh vực chuyên ngành, phức tạp, trong bối cảnh thị trường phát triển đa dạng cần quy định theo hướng hài hòa lợi ích các bên, không trói chân doanh nghiệp, không làm khó doanh nghiệp bằng những quy định liên quan đến thủ tục, giấy phép, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bên cạnh đó hướng đến khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị lưu ý đến một số nội dung cụ thể như lĩnh vực bảo hiểm, bảo hiểm vi mô cần có đánh giá toàn diện việc thí điểm triển khai, có định hướng rõ ràng để có quy định phù hợp bảo đảm chặt chẽ, an toàn. Chỉ rõ dự thảo luật còn quy định tương đối sơ sài về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ.
Nhấn mạnh việc phải bám sát chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các hiệp hội để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội./.