Tham dự phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, đại diện lãnh đạo cơ quan hữu quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo Chương trình xây dưng luật pháp lệnh năm 2021, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022).
Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế về một số nội dung của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trên cơ sở thông báo kết luận buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội, với tinh thần chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức buổi làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) về công tác chuẩn bị, tiến độ xây dựng dự án Luật và công tác phối hợp trong thời gian tới để bảo đảm chất lượng của dự án Luật. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã gửi văn bản xin ý kiến các đối tượng chịu tác động của dự án Luật như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, một số chuyên gia, công ty bảo hiểm và doanh nghiệp lớn tham gia hoạt động bảo hiểm…
Trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi làm rõ sự cần thiết ban hành luật. Trong đó, thể chế quan điểm điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm; Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã xác định “sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra”.
Hơn nữa, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ, v.v...
Một số, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, phân loại các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trình bày Tờ trình dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Nội dung về hợp đồng bảo hiểm cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.
Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện; bổ sung quy định về an toàn tài chính.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.
Bảo hiểm vi mô là nội dung mới trong dự thảo Luật, quy định bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).
Các đại biểu tham dự phiên họp
Thảo luận tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, các đại biểu quan tâm nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ, cho rằng hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội xem xét, thảo luận. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động nhất là với các nội dung mới của dự thảo Luật như bảo hiểm vi mô, mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin…
Về hợp đồng bảo hiểm, nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng trong kinh doanh bảo hiểm, các đại biểu đề nghị rà soát các quy định về loại hình hợp đồng bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin, các trường hợp hợp đồng vô hiệu, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm bảo đảm bình đẳng giữa các chủ thể, phù hợp với quy định chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan; rà soát quy định về quản trị nội bộ, quản lý rủi ro bảo đảm minh bạch, phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020 và tạo môi trường kinh doanh bảo hiểm thuận lợi, an toàn, bền vững. Cân nhắc tính khả thi của các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước.
Dự thảo luật có chương riêng về bảo hiểm vi mô nhưng chỉ có hai điều. Các đại biểu đặt vấn đề nếu chỉ có 2 điều như vậy có cần thiết quy định, lưu ý đến việc tránh quy định luật khung, luật ống đồng thời không quy định cứng trong luật những nội dung chưa rõ, chưa đầy đủ cơ sở. Do đó các đại biểu đề nghị tiếp tục đánh giá tổng kết thí điếm triển khai bảo hiểm vi mô, làm rõ đây có phải loại hình bảo hiểm mới độc lập với 3 loại bảo hiểm hiện nay, làm rõ tính hiệu quả, khả thi của bảo hiểm vi mô.
Dự thảo luật có quy định mới về mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro – đây là phương thức quản lý mới nhằm xác định vốn cần có trên quy mô hoạt động và tổng thể rủi ro của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý kịp thời đánh giá mức độ rủi ro hoạt động của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là mô hình lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, các đại biểu băn khoăn về tính khả thi, đề nghị bổ sung tài liệu tham khảo, kinh nghiệm quốc tế về nội dung này.
Các đại biểu đề nghị làm rõ việc quy định dừng trích nộp vào Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, việc quản lý số dư Quỹ sau khi Luật này có hiệu lực sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm minh bạch, khách quan.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cần đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành thời gian qua, ghi nhận những kết quả đạt được, đánh giá chính xác những vấn đề đang đặt ra. Tính thuyết phục của các đề xuất sửa đổi sẽ tăng lên nếu cung cấp đầy đủ các số liệu, thông tin về quy mô thị trường bảo hiểm, số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, các chi phí, đóng góp vào tăng trưởng GDP hàng năm, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, mục tiêu phát triển ngành kinh doanh bảo hiểm…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ nội dung cốt lõi của việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành để vừa tăng tính thuyết phục vừa bảo đảm nội dung sửa đổi, bổ sung được tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế. Quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bảo hiểm gia nhập thị trường và hoạt động thuận lợi, minh bạch, vừa phòng ngừa rủi ro vừa lành mạnh hóa môi trường đầu tư, phát triển được một kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần hài hòa lợi ích các bên, không "trói" doanh nghiệp bằng những quy định về thủ tục, giấy phép, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và hướng đến khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua thảo luận Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo. Khẳng định vị trí quan trọng của kinh doanh bảo hiểm cùng với chứng khoán ngân hàng huy động nguồn lực cho nền kinh tế, hạn chế rủi ro tuy nhiên đây lại là nội dung chuyên ngành khó, phức tạp do đó cần tiếp tục được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bổ sung số liệu cụ thể.
Theo đó, dự án Luật có liên quan đến 46 luật khác cần phải rà soát để bảo đảm đồng bộ, trong đó đề nghị tập trung vào Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán. Đồng thời tiếp tục rà soát các vướng mắc thực tiễn và các cam kết quốc tế.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, khắc phục những tồn tại hạn chế sau 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung nội dung báo cáo đánh giá tác động của các đối tượng thụ hưởng, dân tộc thiểu số miền núi, vùng xâu vùng xa trong tiếp cận bảo hiểm, bình đẳng giới; lưu ý tránh tình trạng luật khung luật ống, những nội dung có thể cụ thể hóa được thì quy định ngay trong luật; đồng thời không quy định quá chi tiết những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở tránh cho việc luật vừa ban hành đã phải sửa đổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tổng hợp một số nội dung các đại biểu quan tâm như: việc hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể tham gia quan hệ bảo hiểm; các quy định của hợp đồng bảo hiểm tránh trường hợp gây bất lợi đối với người dân tham gia bảo hiểm, cân nhắc quy định về hợp đồng mẫu; quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật còn quá sơ sài, đề nghị làm rõ các nội dung, đánh giá tác động tổng kết thí điểm triển khai, cân nhắc quy định chủ thể cung cấp bảo hiểm vi mô; việc tham gia bảo hiểm bắt buộc; thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề, bả hiểm trên môi trường mạng, đại lý bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm…đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục được rà soát, hoàn thiện./.