PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

01/08/2023

Sáng 01/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ NĂNG LƯỢNG VỚI BỘ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM, ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại hội thảo

Cùng dự và chủ trì có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Các đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, như: ngân hàng chính sách; cơ quan quản lý nhà nước; tỷ lệ sở hữu cổ phần; giới hạn cấp tín dụng; tài chính, hạch toán, báo cáo; can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt; nợ xấu và xử lý nợ xấu; thủ tục giữ tài sản bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát…

Liên quan đến Điều 16 về ngân hàng chính sách, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung, nhưng chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính, tổ chức lại, giải thể và các nội dung khác có liên quan đến ngân hàng này. Trong khi, quy mô tổng tài sản của 2 ngân hàng chính sách hiện nay gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam là tương đối lớn, với đặc thù thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo

Về cơ sở thực tiễn, trong những năm qua, hoạt động của ngân hàng chính sách đã có bước phát triển mạnh về quy mô, đối tượng tác động. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung một chương riêng quy định về ngân hàng chính sách tại dự thảo Luật để khẳng định địa vị pháp lý của các ngân hàng này. Điều này cũng nhằm có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thể hiện đúng bản chất của ngân hàng chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngân hàng chính sách, phục vụ mục tiêu, chính sách kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này.

Về tài chính, hạch toán, báo cáo quy định từ Điều 137 đến Điều 148, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định, được kiểm nghiệm thực tiễn tại các Nghị định có liên quan, trong đó có các quy định liên quan đến vốn; sử dụng vốn, tài sản; việc bảo đảm an toàn vốn; kinh doanh, chi phí, lợi nhuận, lãi dự thu, trích lập dự phòng, chế độ kế toán, kiểm toán, trích lập các quỹ… để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện cũng như quản lý, giám sát đối với hoạt động của tổ chức tín dụng.

Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh giới hạn cấp tín dụng theo lộ trình (cả về mức giới hạn và thời gian thực hiện), thay vì giảm ngay lập tức theo một tỷ lệ lớn như tại Điều 130; đồng thời các quy định mới sẽ không có hiệu lực hồi tố đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện hữu của các ngân hàng. Bởi, các doanh nghiệp FDI có công ty mẹ hoạt động tại nước sở tại đã xây dựng mối quan hệ tín dụng lâu đời với các ngân hàng nước ngoài tại đây. Khi thực hiện hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp FDI tiếp cận với khối ngân hàng nước ngoại tại Việt Nam để vay vốn hoặc xin cấp tín dụng. Việc này là phù hợp và thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì ngoài việc chứng minh khả năng hoạt động và trả nợ của doanh nghiệp tại Việt Nam, họ có thể sử dụng bảo lãnh hoặc uy tín của công ty mẹ cho khoản cấp tín dụng tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ buộc các công ty mẹ có thêm nhiều gánh nặng để hỗ trợ công ty con hoặc giảm quy mô hoạt động tại Việt Nam cũng như cân nhắc việc chuyển đầu tư sang các nước khác.

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu đặt ra; khẳng định đây là những ý kiến được nhìn nhận từ góc độ thực tiễn, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đối với dự án dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thông qua những ý kiến, đề xuất, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)