HỘI THẢO "LẤY Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)"

29/08/2022

Sáng 29/8, tại Tp. Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai chủ trì. Tham dự hội thảo còn có các thành viên của Ủy ban Kinh tế, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo UBND các tỉnh phía Nam và các chuyên gia, nhà khoa học…

 

 


Toàn cảnh buổi hội thảo

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc sửa đổi Luật Đất đai (sửa đổi) phải thể chế hoá được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Nghị quyết số 18 –NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trong đó, cần thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.

Hội thảo gồm 4 phiên thảo luận chuyên đề. Trong đó, với chuyên đề  “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất” và "Tài chính đất đai và giá đất”, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Một số đại biểu cho biết, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề giá đất, tài chính đất đai, trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất còn nhiều điểm nghẽn. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm quy định công khai, minh bạch, có tiêu chí khách quan, thời điểm xác định công bố giá đất, đánh giá tác động kỹ lưỡng, có phân tích, đo lường và dự báo được những tác động của các chính sách dự kiến được sửa đổi, bổ sung.

Hội thảo cũng ghi nhận một số ý kiến, đề xuất cụ thể về sự vận hành, cơ chế thu thập dữ liệu về đất đai, cách thức tính toán giá cho thuê đất hàng năm, làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai trong mối quan hệ với các luật liên quan để bảo đảm đồng bộ, đúng nguyên tắc xây dựng Luật và phù hợp với thực tiễn.


Đại diện Ban Pháp chế của Tập đoàn SunGroup phát biểu tại hội thảo

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã trao đổi, làm rõ một số băn khoăn của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới. Trong đó, dự thảo Luật tập trung hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 3 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc. Quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, trường hợp nào cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện các quy định đối với quản lý đất đai có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, thẳng thắn, chất lượng của các đại biểu; nhấn mạnh, đây là cơ sở quan trọng để Thường trực Ủy ban Kinh tế nghiên cứu, tiếp thu, xây dựng báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2022 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.  

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)