UỶ BAN KINH TẾ HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 11

29/08/2019

Trong 2 ngày 29 - 30/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 11, thẩm tra 3 dự án Luật: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Cho ý kiến vào dự án Luật PPP vào sáng 29.8, các đại biểu đánh giá dự án Luật được chuẩn bị công phu, quá trình soạn thảo đã tiếp thu và làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Thay mặt ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, dự thảo Luật PPP được xây dựng trên cơ sở kế thừa Nghị định 63/2018 về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất phương án có dòng ngân sách dành cho phần vốn đầu tư công trong dự án PPP tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đáng chú ý, dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung về hình thức huy động vốn thứ cấp cho các dự án PPP. Cụ thể, doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án để huy động vốn thực hiện dự án PPP. Liên quan đến các cơ chế bảo đảm của Chính phủ, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng thiết kế cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, cụ thể áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.

Tại phiên họp, các đại biểu yêu cầu ban soạn thảo tiếp tục rà soát các luật có liên, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa dự án Luật PPP và các luật khác; hạn chế thấp nhất những điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết (hiện có 14/102 điều giao Chính phủ quy định); làm rõ bản chất dự án PPP là đầu tư công hay đầu tư tư và căn cứ đề xuất quy mô tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng. Các đại biểu cũng nhấn mạnh ban soạn thảo cầni quan tâm đến khâu thẩm định dự án để chọn được dự án tốt và loại bỏ dự án tồi và có cơ chế bảo đảm, bảo lãnh cho nhà đầu tư dự án PPP.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp - Ảnh: Quang Khánh

+ Chiều qua, tiếp tục phiên họp toàn thể, UB Kinh tế đã thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dự án Luật này sửa đổi 34 điều, bổ sung 4 điều và bãi bỏ 2 điều so với Luật Đầu tư. Nội dung chủ yếu của dự thảo Luật trước hết là bổ sung, làm rõ các khái niệm “chấp thuận chủ trương đầu tư”, “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài” để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Dự thảo Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Đồng thời, bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước; bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.

Đáng chú ý,  dự thảo Luật bổ sung vào nhóm ngành ưu đãi đầu tư đối với 4 lĩnh vực: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Đồng thời, loại bỏ nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định trong Luật Đất đai…

Tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư, cơ bản đồng tình phạm vi sửa đổi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ban soạn thảo cần làm rõ vì sao lựa chọn bổ sung 4 nhóm ngành được ưu đãi đầu tư; vì sao bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo... Đối với ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, cần sửa lại từ ngữ cho phù hợp, chẳng hạn “kinh doanh dịch vụ xử lý nợ”. Các đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật Đầu tư cần theo hướng tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp thay vì tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định, điều khoản của Luật Đầu tư (sửa đổi) với các luật khác; tiếp tục cập nhật các yêu cầu của Nghị quyết 50/NQ - TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vừa được Bộ Chính trị thông qua để có “bộ lọc” nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hợp tác đầu tư nước ngoài. Ông cũng lưu ý, nếu đưa ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục cấm thì cần làm rõ việc xử lý đối với những trường hợp đã được cấp phép hoạt động trước đó thế nào, ai sẽ có trách nhiệm bồi thường?

Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần làm rõ hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, cán bộ công chức… “Trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu chỉnh lý, giải trình các ý kiến của các đại biểu đã phát biểu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình UBTVQH”, Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh nêu rõ./.

(H.Lan - V.Thuỷ - Báo Đại biểu nhân dân)