DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2019

27/09/2019

Ngày 26/9, tại Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế, Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn đàn “Một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019”. Đây là diễn đàn nhằm cung cấp thông tin tham khảo để các cơ quan, các đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bà lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng nhiều chuyên gia về kinh tế, xã hội hàng đầu trong nước và các tổ chức nước ngoài uy tín tại Việt Nam

Diễn ra trong 2 ngày 26-27/9, diễn đàn “Một số vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2019” là nơi các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và từ các tổ chức Quốc tế uy tín cung cấp thông tin đa chiều, giúp cho đại biểu Quốc hội để có phương pháp phân tích sâu hơn đối với tình hình kinh tế đất nước đạt được trong năm 2019 và tư vấn các hành động cụ thể trong năm 2020.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, những tháng đầu năm 2019 tăng trưởng kinh tế nước ta giảm ở hầu hết các ngành so với những tháng đầu năm 2018.  Đáng chú ý, là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 336,56 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với 4,6% và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm trước là 28,8%, xuất siêu 3,4 tỷ USD, kết quả này là nhờ đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng lên tới 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 8/2019 và 8 tháng đầu năm 2019 mặc dù có dấu hiệu tích cực khi đạt tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015 - 2019. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ đà phát triển với mức kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới 8 tháng và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 8/2019 tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Dịch tả lợn châu Phi đang dần được kiểm soát, người dân bắt đầu trở lại tiêu dùng thịt lợn. Sản xuất thủy sản giữ được đà tăng trưởng  cả nuôi trồng và khai thác. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; nắng nóng gây cháy rừng khiến cho diện tích rừng bị thiệt hại tăng cao ở khu vực miền Trung.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước dù có dấu hiệu tích cực khi đạt tỷ kế hoạch cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức tăng thấp trong giai đoạn 2015 - 2019. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ đà phát triển với mức kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới 8 tháng và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Toàn cảnh

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để phát triển bên vững cần ưu tiên nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; rà soát lại đầu tư công; tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển từ nền công nghiệp gia công sang sản xuất gắn với hỗ trợ các doanh nghiệp.

 Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viên Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng, nguồn lực của chúng ta hiện còn nhiều hạn chế, vì vậy cần đầu tư có chọn lọc, lựa chọn các đối tác vừa có năng lực vừa có thể học hỏi và áp dụng tại Việt Nam, là những thị trường lớn, quốc gia lớn và có công nghệ cao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thì băn khoăn: Theo báo cáo của Chính phủ, nhiều chỉ số kinh tế nước ta năm 2019 sẽ giảm so với 2018 với nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do đầu tư công giảm, đầu tư cơ sở hạ tầng giảm. Trong khi đó đầu tư toàn xã hội năm 2019 trên các lĩnh vực cao hơn năm 2018, vậy vì sao lại thế?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, cần nhấn mạnh về yêu cầu bóc tách những điểm yếu và điểm mạnh trong bức tranh tổng thể về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là những yếu tố cầu thành nên sự tăng trưởng ở từng lĩnh vực, qua đó các ĐBQH sẽ nắm được những bất cập để giám sát hoặc nghiên cứu kiến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên của diễn đàn “Một số vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2019”, hai nhóm vấn đề về số liệu kinh tế và bối cảnh quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế đã được các chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội tập trung phân tích nghiên cứu.

Ngày 27/9, hai nhóm vấn đề chính được tập trung phân tích là các vấn đề xã hội và cách ứng phó của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay./.

Võ Linh – Võ Quốc