DẤU ẤN HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI TRONG NĂM 2022

20/01/2023

Trong số 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022 được các bình chọn và chính thức công bố thì có đến 4 hoạt động sự kiện có sự tham gia của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra các nội dung hay đầu mối tổ chức. Điều này cho thấy dấu ấn nổi bật của Ủy ban trong năm qua với khối lượng lớn công việc được giải quyết với chất lượng cao, nhiều trong số đó là những nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10 CỦA ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ, KHẢ THI NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT 18-NQ/TW VỀ ĐẤT ĐAI

CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ VŨ HỒNG THANH: "DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI 2022" GỢI MỞ CHÍNH SÁCH, THÊM THÔNG TIN CHO CÁC QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG

Trong năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong những tháng đầu năm nên một số hoạt động của Ủy ban Kinh tế phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch, một số nội dung công việc không thực hiện được hoặc bị tạm hoãn so với kế hoạch, nhiều hoạt động không được thực hiện theo định kỳ như trước đây. Tuy nhiên những khó khăn, thách thức từ bên ngoài đã được Ủy ban Kinh tế nỗ lực, khắc phục và vượt qua để từ đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trong công tác lập pháp, Ủy ban Kinh tế tổ chức thẩm tra, theo dõi sát sao tiến độ xây dựng của các dự án Luật, Nghị quyết thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất (tháng 01/2022); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022); dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra các dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. 

Ủy ban Kinh tế tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia phục vụ công tác thẩm tra

Việc dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được xem xét, thảo luận trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2022. Để chuẩn bị, xây dựng dự thảo đầu tiên của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)- nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa trong quán triệt các chủ trương của Đảng về đổi mới chính sách đất đai, kế thừa các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn để tiếp thu, xây dựng dự thảo, trình Quốc hội thảo luận lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4. Với tầm quan trọng của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Kế hoạch 329/KH-UBTVQH15 trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm chuẩn bị chu đáo cho quá trình xây dựng, xem xét, thảo luận, tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Qua thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, dần cụ thể hoá định hướng, các khung chính sách lớn đối với quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới của Bộ Chính trị. Nhằm phát huy dân chủ, khai thác tối đa trí tuệ của cử tri, Nhân dân cả nước đối với hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 18. Việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/03/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế

Trong công tác giám sát, Ủy ban Kinh tế đã xây dựng kế hoạch và chủ động chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về các vấn đề về kinh tế - xã hội như thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022; thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm. Theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo tình hình thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế với vai trò là cơ quan được giao chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện chuyên đề giám sát đã xây dựng và hoàn thiện báo Báo cáo kết quả chuyên đề giám sát báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Để triển khai hiệu quả chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch, đề cương, nội dung giám sát trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Trên cơ sở Nghị quyết, kế hoạch giám sát, Ủy ban đã giúp Đoàn giám sát dự thảo các văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo theo yêu cầu của đề cương giám sát, tổng hợp các báo cáo phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban cũng giúp Đoàn giám sát tổ chức các Đoàn công tác làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với nhiều Bộ, ngành và địa phương.

Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với các địa phương theo hình thức trực tuyến

Đây là chuyên đề lớn có nhiều nội dung cần được làm sáng tỏ, được xã hội và cử tri rất quan tâm. Mặc dù việc triển khai chuyên đề giám sát trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gặp một số khó khăn khách quan nhưng với nỗ lực, cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức thu thập thông tin, khảo sát, giám sát thực tiễn, phân tích các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật hiện hành, xây dựng báo cáo giám sát phản ảnh sát thực tình hình và đưa ra các kiến nghị, đề xuất chính sách quan trọng. Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Kết quả giám sát này là minh chứng cho đổi mới hoạt động giám sát ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân là một trong 10 hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022. Trong các cuộc giám sát của Quốc hội năm 2022, giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch được tiến hành đúng “điểm rơi” trong bối cảnh, yêu cầu rà soát và khắc phục các vướng mắc của quy định pháp luật, cho phép điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch; đồng thời, giao Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch để sớm đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật liên quan đến quy hoạch vào thời gian phù hợp.

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế giám sát tình hình thực hiện dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Liên quan đến việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì thẩm tra các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp bất thường (tháng 01/2022).

Đặc biệt, trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư gần 360.000 tỷ đồng gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, dự án đường cao tốc Khánh Hoà- Buôn Ma Thuật, dự án đường cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, dự án cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và một số Nghị quyết quan trọng khác về cơ chế đặc thù phát triển các địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về tạo ra không gian phát triển mới của các địa phương, các vùng kinh tế và trên phạm vi cả nước, thúc đẩy phục hồi và tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới. Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước. Đây đều là những nội dung do Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra. Việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 06 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư gần 360.000 tỷ đồng là một trong 10 hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Một hoạt động khác nằm trong nhóm sự kiện tiêu biểu của Quốc hội do Ủy ban Kinh tế là đầu mối chủ trì là việc khởi dựng diễn đàn thường niên về Kinh tế - Xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng, củng cố cơ sở khoa học để triển khai nhiệm vụ trung tâm về phát triển kinh tế- xã hội theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Theo đó, Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam năm 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã thu hút sự quan tâm của hệ thống chính trị, giới chuyên gia, cử tri và Nhân dân cả nước. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 cung cấp các luận cứ cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác định kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống, nhấn mạnh việc thực hiện các mục tiêu dài hạn trong cơ cấu lại nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Đặc biệt, Diễn đàn đã góp phần tạo tiền đề cho thành công của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, làm cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Họp báo trong nước và quốc tế về chương trình “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”

Nhìn lại kết quả hoạt động năm 2022 cho thấy Ủy ban Kinh tế đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn, áp lực về tiến độ, đòi hỏi nâng cao chất lượng và vượt qua những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội, sự tích cực tham gia của các thành viên Ủy ban Kinh tế, đặc biệt là Thường trực Ủy ban Kinh tế, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, trí tuệ, toàn bộ công việc theo chương trình công tác của Ủy ban Kinh tế đã được hoàn thành bảo đảm chất lượng và tiến độ. Các dự thảo báo cáo do Ủy ban Kinh tế chuẩn bị, tham mưu trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, tinh thần xây dựng, trách nhiệm và có tính phản biện cao, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế khẳng định sẽ cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị đã được luật quy định và được Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội phân công./.

Bảo Yến