CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ VŨ HỒNG THANH: "DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI 2022" GỢI MỞ CHÍNH SÁCH, THÊM THÔNG TIN CHO CÁC QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG

17/09/2022

''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022'' sẽ được tổ chức vào ngày 18/9 với chủ đề ''Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững''. Chia sẻ trước thềm sự kiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Diễn đàn năm nay sẽ tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế, đưa ra những gợi ý chính sách quan trọng trong hoạch định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022"

Chuyên gia kỳ vọng: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 cung cấp căn cứ khoa học cho các quyết sách của Quốc hội 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Thông điệp về tự cường quốc gia và đồng hành cùng nhau

Tính đến tháng 9/2022, kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, những cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng, thương mại, dịch vụ - du lịch phục hồi, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng cao. Những kết quả bước đầu cho thấy Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội đã đi vào cuộc sống. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, một sự kiện thường niên được Quốc hội tổ chức giúp xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng giúp kinh tế phục hồi và phát triển.     

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Phóng viên: Qua 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Chủ nhiệm có thể chia sẻ về việc thực hiện các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp do dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề tới nền kinh tế, cuối năm 2021, Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế với sự tham giá của rất các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, tổ chức quốc tế. Từ kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống dịch, và đưa ra các cái gói chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế; cùng với những dư địa trong chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam; Diễn đàn đã đưa ra những gợi ý chính sách quan trọng giúp Chính phủ, cũng như các cơ quan của Quốc hội  hoạch định chính sách.

Sau Diễn đàn, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội đặt ra mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ an sinh xã hội, doanh nghiệp, người dân, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đến nay, sau 8 tháng Nghị quyết đi vào cuộc sống nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng, dấu hiệu phục hồi tích cực.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kết quả quan trọng nhất trong 8 tháng qua là kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó, hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều phục hồi và có sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 9,4%. Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng chưa phục hồi hoàn toàn nhưng hoạt động thương mại dịch vụ đã tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực và dần lấy lại được quy mô như trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15

Ngoài ra, tổng quan mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng rất cao 19,3%. Hoạt động xuất nhập khẩu có tín hiệu tích cực, 8 tháng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 498 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Hoạt động của khối doanh nghiệp đã được phục hồi và số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng tăng cao. Đặc biệt, thu ngân sách 8 tháng năm nay hiện đã được hơn 1,2 triệu tỷ đồng, đạt 86% dự toán. Thu ngân sách hiện đạt mức cao so với dự toán là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ những kết quả tích cực nêu trên, Hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BA.3 lên BA.2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ tích cực sang ổn định.

Có được kết quả này là nhờ điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội trong tổ chức triển khai thực hiện bước đầu các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, với những kết quả đạt được, 9 tháng qua kinh tế nước ta đã có bước hồi phục tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vậy Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022 lần này sẽ đặt ra những cái mục tiêu quan trọng nào để tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng qua với nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng không thể chủ quan, bởi còn đó những thách thức bên ngoài cũng như các vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta. Điều này cần phải được phân tích, mổ xẻ để dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp.

Họp báo trong nước và quốc tế về chương trình “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Theo đó tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhất là xung đột địa chính trị diễn ra ngay từ đầu năm, giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực tăng cao, kéo theo đó là lạm phát. Tình hình dịch bệnh COVID-19 của một số nước ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam. Theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát lại tăng cao. Như tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (FED) liên tục nhiều lần và điều chỉnh tăng lãi suất.  Điều này ảnh hưởng cả trực tiếp, gián tiếp với nền kinh tế của chúng ta trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn, đặc biệt đối với xuất nhập khẩu và đầu tư.

Trong khi đó, khi nhìn nhận lại nội tại nền kinh tế có nước ta vẫn có có một số mặt hạn chế, cả trong triển khai thực hiện các gói chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Qua giám sát của Quốc hội cho thấy một số gói chính sách triển khai chậm như hỗ trợ nhà ở đối với người lao động; hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, người dân; chậm phân bổ vốn đầu tư trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; chậm giải ngân vốn đầu tư công; ảnh hưởng của giá cả hàng hóa, khả năng "nhập khẩu" lạm phát. Đây là những vấn đề cần được nhìn nhận, tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ tại Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

"Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022" có sự thay đổi so với "Diễn đàn Kinh tế năm 2021".

Mặc dù tên gọi của Diễn đàn năm 2021 không có chữ “Xã hội” nhưng trong nội dung chương trình, nội hàm thảo luận chính sách đều quan tâm đến khía cạnh an sinh xã hội. Để từ đó trong Nghị quyết 43/2022/QH15 những chính sách đầu tiên là về y tế cơ sở, y tế dự phòng; chương trình hỗ trợ người lao động, an sinh xã hội…

Tên gọi của Diễn đàn năm 2022 đưa thêm khái niệm "Xã hội" sẽ bao quát hết các cái mảng, các cái lĩnh vực, làm sâu sắc hơn lĩnh vực xã hội trong chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Quốc hội trong lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Diễn đàn năm nay với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, đại diện các tổ chức quốc tế cập nhật thông tin tình hình thế giới, chính sách, kinh nghiệm của các quốc gia; đồng thời đánh giá lại tình hình trong nước. Từ đó có được những đề xuất chính sách, giải pháp khắc phục tồn tại yếu kém, đồng thời có được định hướng chính sách cho những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo. Đây cũng sẽ là những thông tin hữu ích giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua các chính sách lớn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022) tới đây. Đồng thời, đây chính là những thông tin tham khảo cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình hoạch định các chính sách, đặc biệt khi phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023. Nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng khi là năm cuối thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội cũng như Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.        

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!

Bảo Yến