THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA BÁO CÁO TÌNH HÌNH THI HÀNH HIẾN PHÁP, LUẬT, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI 2018

04/09/2018

Sáng ngày 04/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp thẩm tra Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ, ngành hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018

Trình bày tóm tắt báo cáo của Chính phủ tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 67/2013/QH13, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 là đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật; tập trung xây dựng, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực, khắc phục tình trạng nợ động văn bản quy phạm pháp luật. Chuẩn bị tốt các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại các Kỳ họp năm 2018.

Về kết quả xây dựng trình các dự án luật, pháp lệnh, Chính phủ đã đưa các nội dung về xây dựng pháp luật và chương trình các phiên họp thường kỳ hoặc tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để xem xét, cho ý kiến. tính từ kỳ hợp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội đã thông qua 13 văn bản luật do Chính phủ trình và không có trong danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 718/2014/NQ-UBTVQH14 về triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Hiện còn 23 dự án luật nằm trong danh mục chưa được ban hành đang được Chính phủ  chỉ đạo các bộ ngành tích cực soạn thảo, hoàn thiện dự án luật để đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 và năm 2019.

Bên cạnh đó công tác tuyên truyển, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tăng cường thực hiện dưới nhiều hình thức.

Về theo dõi, xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tính từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  và các bộ ngành có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 204 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. Trong đó có 94 nghị định, 07 quyết định, 97 thông tư và 06 thông tư liên tịch. Qua theo dõi cho thấy, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng số lượng văn bản nợ đã giảm dần so với các năm trước: giảm 45 văn bản so với cùng kỳ năm 2015, giảm 23 văn bản so với cùng kỳ năm 2016, tăng 01 văn bản so với năm 2017. Số văn bản chưa ban hành là 12 văn bản và hầu hết là các văn bản có nội dung phức tạp, phải xin ý kiến nhiều cấp.

Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; chất lượng của văn bản quy định chi tiết thông qua công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; nêu những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến thẩm tra về báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến phát biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện báo cáo đúng yêu cầu. Nội dung của báo cáo cơ bản đã phản ánh tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đến nay; kết quả công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội đánh giá những mặt làm được, chỉ ra những mặt hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập; đồng thời đưa ra được nhiều nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng báo cáo cần thể hiện rõ hơn hiệu lực, hiệu quả cũng như tác động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh thông qua công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật; phản ánh đầy đủ hơn quá trình triển khai thi hành Hiến pháp, luật. Báo cáo cũng chưa đánh giá sâu về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cảu những việc đã làm được, những văn bản đã được ban hành có những tác động, ảnh hưởng ra sao; chưa chỉ ra trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, luật, chưa có giải pháp  hữu hiệu để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trên cơ sở đánh giá có tính khái quát, cơ bản, có những nhận định đánh giá chung về tình hình, bối cảnh, báo cáo của Chính phủ cần tập trung đi vào đánh giá việc ban hành luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp và việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết 718/2014/NQ-UBTVQH14 đặt ra mục tiêu rõ ràng là nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân, cơ quan tổ chức, công dân về Hiến pháp; xác định rõ trách nhiệm các cơ quan trong hệ thống chính trị về tổ chức thi hành Hiến pháp, bảo đảm các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đồng thời đặt ra yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp phải được tiến hành thống nhất, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm…Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm triển khai đúng tinh thần của Hiến pháp, tiến hành rà soát tất cả các quy định để sửa đổi bổ sung cho phù hợp, làm rõ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cần phải ban hành những luật gì. Vì vậy, báo cáo của Chính phủ cần thể hiện được những nội dung, yêu cầu đã đề ra trong các nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần phải đánh giá được năm 2018 có những chuyển biến gì hơn so với 2017 và những năm trước đây về ban hành; tổ chức thực hiện pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ rõ kết quả, bất cập, hạn chế gì để hoàn thiện báo cáo trình lên Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết đây là lần đầu tiên Chính phủ xây dựng báo cáo chung đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, luật, quyết của Quốc hội trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết số 67/2013/QH13. Đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo cũng như tổ chức thực hiện thi hành Hiến pháp, luật, quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, các bộ tiếp tục hoàn thiện các nội dung cụ thể của báo cáo trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới./.

Bảo Yến

Các bài viết khác