Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020
Tham dự phiên họp còn có Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham dự họp trực tuyến.
Trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, có thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo đảm bảo thông suốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh đối với công dân khiếu nại, tố cáo và lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
Số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 04%, số lượt đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) tăng 1,6%.
Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai tại một số địa phương; việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ; liên quan đến môi trường; tranh chấp hợp đồng mua bán nhà chung cư, bầu ban quản trị; quản lý sử dụng nhà chung cư, vi phạm trật tự xây dựng, công tác quy hoạch xây dựng; mua bán nhà theo Nghị định 61/CP; chế độ, chính sách của giáo viên.
Về nội dung tiếp công dân, trong năm 2020, có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4% so với năm 2019), với 296.864 vụ việc (giảm 2,4%), có 3.779 lượt đoàn đông người (giảm 17,7%).
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5% (khiếu nại 17.171 vụ việc, đạt 81,9%; tố cáo 7.104 vụ việc, đạt 87,5%). Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chất lượng giải quyết tiếp tục được nâng lên. Nhiều địa phương đã có cách làm mới, dân chủ với sự tham gia của đại diện các ban của Đảng, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo qua đó đã giải quyết đúng pháp luật, có lý có tình, dứt điểm nhiều vụ việc ngay từ cấp cơ sở. Tỷ lệ thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (khiếu nại đạt 99,2%, tố cáo đạt 97,5%) hơn mục tiêu đề ra (90%) và cao hơn nhiều so với năm 2019 (khiếu nại 84,6%, tố cáo 89,3%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19. Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Công tác phối hợp giải quyết trong một số trường hợp còn hạn chế, bất cập và thiếu chặt chẽ.
Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Ghi nhận tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tốt hơn so với các năm trước, số lượt người, số đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo cũng như số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế và nguyên nhân đều đã được nêu trong nhiều năm qua, do đó đề nghị phân tích làm rõ sự khác biệt của năm 2020 so với các năm trước, chỉ ra được đâu là nguyên nhân chính làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Các đại biểu đặt vấn đề nguyên nhân là do thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để gây mất trật tự xã hội. Cùng với đó các quy định còn pháp luật còn nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Việc giải quyết của cơ quan nhà nước chưa kịp thời, không phù hợp với pháp luật, không hợp lý, hợp tình, không được người dân đồng tình cũng cần được thẳng thắn chỉ rõ địa chỉ cụ thể. Một bộ phận cán bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung làm rõ đâu là nguyên nhân đích thực, chủ yếu để tập trung giải pháp quyết liệt thực hiện nhằm kịp thời khắc phục, góp phần xử lý hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo thời gian tới. Chính phủ cần đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị thời gian tới cần tăng cường phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa bên tiếp nhận đơn thư và bên xử lý giải quyết để kịp thời thông tin, phản hồi cũng như đôn đốc giải quyết. Đại biểu cũng đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giải quyết khiếu nại tố cáo; rà soát sửa đổi bổ sung những quy định chưa thống nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo kéo dài để có giải pháp cụ thể hơn; đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang và Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng một trong những nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo nhiều và kéo dài là do việc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như trách nhiệm tiếp công dân. Do đó trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng, cần có biện pháp xử lý chính quyền giải quyết khiếu nại tố cáo chưa chỉn chu.
Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa chia sẻ thêm, địa phương nào chú trọng công tác tiếp công dân, đặc biệt là thực hiện đối thoại trong giải quyết khiếu nại tố cáo thì địa phương đó tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo được cải thiện và cho rằng công tác đối thoại rất quan trọng trong giải quyết khiếu nại tố cáo bởi qua đối thoại lãnh đạo địa phương không chỉ nắm tâm tư nguyện vọng của người dân mà còn giải thích cụ thể, tuyên truyền phổ biến pháp luật, thêm hiểu biết cho người dân, từ đó hạn chế được khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp
Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Pháp luật cũng đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cao năm 2020; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn trong đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII đối với phần thuộc trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật. Ủy ban Pháp luật xem xét thông qua Báo cáo công tác năm 2020 và dự kiến kế hoạch công tác năm 2021 của Ủy ban Pháp luật và Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật trong năm 2021./.