ỦY BAN PHÁP LUẬT KHẢO SÁT TẠI TP. HỒ CHÍ MINH VỀ LUẬT CƯ TRÚ

23/07/2020

Ngày 22/7, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh, khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn thành phố.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, từ khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đến nay, số hộ đăng ký thường trú tăng 15,4%, nhân khẩu tăng 9,79%; số hộ đăng ký tạm trú tăng 102%, nhân khẩu tăng 63,89%; tổng số hộ, nhân khẩu đang cư trú tại thành phố tăng 24,54% hộ và 12,86% nhân khẩu. Việc thực hiện quy định riêng về cư trú tại thành phố trực thuộc Trung ương theo luật hiện hành, như thời gian tạm trú liên tục một năm đối với cấp huyện và 2 năm đối với quận mới được xem xét giải quyết đăng ký thường trú khi công dân có ý định sống lâu dài tại thành phố. Do đó, đã có những hạn chế về quyền tự do cư trú của công dân.

Về chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, thành phố hiện vẫn áp dụng diện tích sàn là 5m2/người (thời điểm Nghị định số 56/2010/NĐ-CP cho đến nay). UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đánh giá tác động về diện tích bình quân do Sở Xây dựng tham mưu để báo cáo HĐND Thành phố trước khi ban hành nghị quyết quy định diện tích bình quân theo luật hiện hành.

Hiện thành phố đã cấp số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh được 402.945 trường hợp và cấp số định danh cá nhân đối với công đã đăng ký thường trú từ năm 2016. Đến nay, toàn thành phố đã cấp mới 2.319.111 căn cước công dân.

Nhiều thủ tục hành chính hiện nay yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Thực tiễn thực hiện các thủ tục yêu cầu bắt buộc phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã gây khó khăn cho công dân, chưa thực sự cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ, chưa thực sự giảm thời gian, chi phí, đi lại, gây phiền hà, dễ lợi dụng phát sinh tiêu cực.

UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội đã thông thoáng hơn với nhiều điều kiện, quy định bị bãi bỏ, sửa đổi tạo sự đồng thuận của công dân. Việc thực hiện bước đầu sẽ có không ít khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm nỗ lực thực hiện, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp. UBND TP Hồ Chí Minh nhất trí với việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh làm rõ tác động của việc đổi mới phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không phải là bỏ việc quản lý cư trú mà là thay đổi từ quản lý thủ công sang phương thức mới dựa trên số định danh cá nhân. Người dân vẫn được bảo đảm thực hiện mọi thủ tục hành chính. Nếu bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu kỹ hơn, cần thiết việc thực hiện phải theo lộ trình.

+ Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát tình hình thực hiện Luật Cư trú tại huyện Bình Chánh./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác