PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN YÊU CẦU CỦA LUẬT CƯ TRÚ VỀ HẠN CHẾ XUẤT TRÌNH GIẤY TỜ, SỬ DỤNG THÔNG TIN NƠI CƯ TRÚ ĐỂ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Toàn cảnh phiên giải trình
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, sau 1 buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, phiên giải trình đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận trong quá trình chuẩn bị cho phiên giải trình, các cơ quan đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật nhất là các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình chính (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng như các bộ, ngành địa phương đã nghiêm túc trách nhiệm trong việc cung cấp đầy đủ báo cáo, các nội dung theo yêu cầu, đề nghị của Ủy ban. Từ đó giúp có cái nhìn tổng thể và đánh giá những kết quả tích cực đạt được, đồng thời nhận diện một cách khách quan những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và thống nhất được giải pháp trong thời gian tới.
Qua trao đổi tại phiên giải trình, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện Luật Cư trú nói chung và việc triển khai thực hiện theo yêu cầu tại khoản 4 Điều 38 của Luật Cư trú nói riêng, trong đó có việc rà soát để xác định đầy đủ những văn bản quy phạm pháp luật có những quy định cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ khi không còn tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu giầy, sổ tạm trú giấy.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên giải trình
Ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nổi bật trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật, các ý kiến cho rằng đây là bước chuyển đổi lớn trong tư duy, nhận thức và trong hành động cụ thể của các cơ quan cũng như các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp theo hướng chuyển từ phương thức quản lý thủ công bằng sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sang phương thức quản lý điện tử, sử dụng cơ sở dữ liệu mà trung tâm là cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin điện tử ở các địa phương để thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về cư trú. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú nói riêng và quản lý công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu ghi nhận việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Cư trú được triển khai nghiêm túc, có danh mục văn bản được rà soát rõ ràng. Đến nay Chính phủ đã ban hành được Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 19 Nghị định có quy định liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ấy. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện Luật Cư trú; đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai những giải pháp thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày 01/01/2023 không còn được tiếp tục sử dụng với tư cách là một loại tài liệu, giấy tờ dùng để làm căn cứ xác nhận về nơi cư trú của công dân.
Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã có giải trình, làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu quan tâm
Đánh giá cao Bộ Công an đã giúp Chính phủ xây dựng hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hiện đại với tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” là nỗ lực rất lớn của các cơ quan cần được ghi nhận. Bởi đây là công cụ quan trọng để có thể đảm bảo triển khai thành công Luật Cư trú rồi.
Cùng với đó, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống hạ tầng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; phối hợp với Bộ Công an để triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để ứng dụng và công tác chuyên môn và sử dụng thông tin về cư trú công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để phục vụ cho các việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính. Các đại biểu chia sẻ đây là nhiệm vụ mới chưa có tiền lệ, trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi có những vướng mắc, những vấn đề phát sinh cần xử lý, song về cơ bản sau hơn 1 năm Luật Cư trú có hiệu lực, các đại biểu đánh giá cao nhiều kết quả tích cực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban
Bên cạnh đó, tại phiên giải trình, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về một số vướng mắc. Một là việc chậm sửa đổi các văn bản hướng dẫn chi tiết như Nghị định, Thông tư, đòi hỏi cần phải được khẩn trương sửa đổi để có thể sớm ban hành bảo đảm các văn bản hướng dẫn chi tiết có hiệu lực đồng bộ. Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhấn mạnh cần tránh tình trạng từ 01/01/2023 khi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã được cấp không còn giá trị nhưng vẫn còn yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong khi làm thủ tục. Đồng thời đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm thống kê đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để có sửa đổi, bổ sung kịp thời, thống nhất.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là về việc số hóa dữ liệu và chất lượng dữ liệu. Thực tế vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi thời gian, công sức và kinh phí; cũng như tiến độ chia sẻ, kết nối, ứng dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, yêu cầu về đồng bộ, bảo mật an toàn thông tin cao độ. Cùng với đó là việc chưa cấp được đầy đủ CCCD gắn chip, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID cũng là hạn chế, vướng mắc trên thực tế…
Ủy viên Ủy ban Pháp luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp, trong bối cảnh từ ngày 01/01/2023 phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Cư trú, đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần quan tâm các giải pháp. Cụ thể, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo để các bộ, ngành rà soát đầy đủ và sửa đổi kịp thời tất cả những văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của chính quyền địa phương liên quan đến quản lý cư trú mà có sử dụng hoặc liên quan đến việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là phải sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý việc sửa đổi văn bản phải hoàn thiện trước ngày 31/12/2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh cần nhận thức đầy đủ và chính xác quy định của khoản 4 Điều 38 Luật Cư trú. Theo đó, Luật đặt vấn đề hạn chế sử dụng thông tin về nơi cư trú làm điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, không có nghĩa là không cho phép sử dụng thông tin nơi cư trú. Do đó, cần rà soát những trường hợp không thực sự cần thiết phải sử dụng thông tin nơi cư trú thì sửa đổi để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng phát biểu tại phiên giải trình
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, tăng cường hơn nữa việc hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, tiếp tục đảm bảo triển khai với các tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” như đã đề ra; tiếp tục đầu tư và chỉ đạo việc xây dựng, đảm bảo kết nối các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cần có tham mưu để bố trí vốn từ nguồn đầu tư công trung hạn để bảo đảm nguồn lực cho các bộ ngành, cơ quan trong xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của mình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu chỉ giao khoán và không bảo đảm được nguồn kinh phí thì rất khó có thể nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng yêu cầu đề ra cũng như yêu cầu về kết nối, đồng bộ và vận hành trơ tru.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Công an cùng với các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng. Nêu rõ việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng ứng dụng các cơ sở dữ liệu, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là bước rất quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành và tất cả các địa phương phải vào cuộc. Bởi thực tế theo phản ánh của Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng hiện mới chỉ có 16/63 tỉnh thành ban hành Kế hoạch triển khai và cũng mới chỉ có 16/63 tỉnh thành kết nối liên thông được cơ sở dữ liệu. Do đó cần tăng cường chỉ đạo chung từ phía Chính phủ để thực hiện đồng bộ và nâng cao nhận thức chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận phiên giải trình
Đồng thời đề nghị, Bộ Công an quan tâm sớm sửa đổi một số Thông tư của Bộ có liên quan đến thi hành Luật Cư trú; phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng dẫn trong việc cung cấp thông tin lưu trữ, tàng thư liên quan đến cư trú để tạo thuận lợi cho người dân trong việc xác định các thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bộ Công an cần tích cực xây dựng số hóa, cập nhật, hoàn thiện dữ liệu thông tin về dân cư, cư trú phát sinh trước ngày 01/7/2016; cung cấp đầy đủ số định danh công dân cho trẻ em trước ngày 01/7/2021. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai số hóa dữ liệu tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID; đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD kể cả đối với người tạm trú
Đối với Bộ Tư pháp, đề nghị có kế hoạch và lộ trình báo cáo Chính phủ bố trí đủ kinh phí để thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch, giải quyết những vướng mắc về mặt kỹ thuật để bảo đảm sớm kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với Cơ sở dữ liệu điện tử về hộ tịch.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị hoàn thiện hệ thống văn bản, bám sát với quá trình sửa đổi Luật Đất đai hiện nay để quan tân có giải pháp bảo đảm cập nhật Cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai đầy đủ, đồng bộ giữa các địa phương; tăng cường hướng dẫn và kiểm tra trong quá trình tạo lập dữ liệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đầu tư trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở các sở, ban, ngành chuyên môn của các địa phương; rà soát các văn bản của địa phương ban hành liên quan lĩnh vực này để kịp thời sửa đổi hoặc bãi bỏ để bảo đảm hiệu lực đồng bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chia sẻ, trong hai năm triển khai Luật Cư trú cũng là thời gian phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống người dân và các hoạt động của các cơ quan. Do đó những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận và cho thấy sự nỗ lực, tích cực của các Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Nêu rõ việc nhìn nhận khách quan những kết quả đạt được cũng những hạn chế, vướng mắc là để cùng nhau tìm ra giải pháp hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân doanh nghiệp, thúc đẩy cho sự phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình Ủy ban Pháp luật luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nếu có bảo đảm cho việc thực thi Luật Cư trú đạt hiệu quả tốt nhất, mang lại lợi ích thiết thực.
Một số hình ảnh tại phiên giải trình:
Toàn cảnh phiên giải trình
Các đại biểu tham dự
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu mở đầu phiên giải trình
Các đại biểu tham dự
Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Nguyễn Quốc Hùng trình bày báo cáo của Bộ Công an
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại phiên giải trình
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trình bày báo cáo và làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm
Các đại biểu tại phiên giải trình
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân giải trình làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận phiên giải trình