ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 15: THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM

26/05/2023

Chiều tối 26/5, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể hội trường của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

THỂ CHẾ HÓA QUY ĐỊNH CỦA ĐẢNG VỀ HỆ QUẢ CỦA VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Cùng dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, chuẩn bị nội dung của Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Pháp luật tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra chính thức dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người xử chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) theo Tờ trình 485/TTr-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 5, dự kiến ngày 30/5 tới, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết này. Do vậy, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể ngoài giờ làm việc để thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, tạo điều kiện cho Thường trực Ủy ban có thời gian tiếp thu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra để gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân các cấp.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều. So với Nghị quyết số 85/2014/QH13 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 4 điều; có 7 phụ lục trong đó bổ sung 2 phụ lục mới. Trong đó, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 85/2014/QH13 và thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung 1 điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật. Đồng thời, bổ sung quy định về ngưng hiệu lực thi hành một số luật, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Điều hành phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm rõ Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được ban hành nhằm thể chế hóa Quy định số 262-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhưng, trong năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Do vậy, hiện đang đặt ra vấn đề phải sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 để thể chế Quy định số 96 – QĐ/TW của Bộ Chính trị, với nhiều quy định mới trong đó quan trọng nhất là quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, cũng như xử lý hệ quả này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm bên cạnh Nghị quyết số 85/2014/QH13 là nghị quyết tổng thể về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, trong hệ thống pháp luật có 3 luật có một số quy định liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đó là: Luật Tổ chức Quốc hội có một số quy định về đối tượng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hai điều quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm do Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng có một số quy định điều chỉnh về thủ tục, trình tự thực hiện. Bên cạnh đó, Quốc hội ban hành 02 nghị quyết có quy định liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp với một số chức danh lãnh đạo quận tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Gợi mở các nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục thực hiện …

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi về ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 với những lý do được Tờ trình số 485/TTr/UBTVQH15 đưa ra. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Trong quá trình xây dựng, dự thảo Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến, tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất cao về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, bố cục và những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị quyết.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng ghi nhận các ý kiến cụ thể như đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết ban hành, làm rõ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để tăng tính thuyết phục; đề nghị báo cáo làm rõ hơn một số trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm, tiếp tục rà soát để bảo đảm chặt chẽ hơn các điều khoản nhất là các quy định cấm, quy định về quy trình thủ tục…Đồng thời cho biết các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức của Ủy ban Pháp luật về nội dung để kịp trình Quốc hội.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu

Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng phát biểu

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận phiên họp

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác