Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, điều hành phiên họp
Trình bày tóm tắt các Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có Tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; thành lập thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk; thành lập thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, thị trấn Tam Hồng huyện Yên Lạc, phường Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, Chính phủ trình phương án thành lập thị trấn Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn Thành lập thị trấn Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở nguyên trạng 51,10 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.590 người của xã Vân Tùng.
Thành lập thị trấn Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở nguyên trạng 31,24 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 17.988 người của xã Pơng Drang. Sau khi thành lập thị trấn, tỉnh Đắk Lắk không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 01 thị trấn, giảm 01 xã; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện và 184 đơn vị hành chính cấp xã. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 25,76%. Huyện Krông Búk không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp xã nhưng có chuyển 01 xã thành thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 27,19%.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng Trình bày tóm tắt các Tờ trình của Chính phủ
Thành lập thị trấn Hóa Thượng trên cơ sở nguyên trạng 13,38 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 13.871 người của xã Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Nhập toàn bộ 40,67 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 4.573 người của xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ.
Thành lập thị trấn Kim Long thuộc huyện Tam Dương trên cơ sở nguyên trạng 15,1 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.550 người của xã Kim Long, huyện Tam Dương. Thành lập thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc trên cơ sở nguyên trạng 9,3 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 16.506 người của xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc. Thành lập phường Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên trên cơ sở nguyên trạng 7,44 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.450 người của xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, việc đề xuất thành lập các đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh dựa trên căn cứ vào vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của các địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường…; phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển đô thị huyện lỵ và giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý địa giới hành chính, mở rộng không gian phát triển; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi về ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết thành lập các đơn vị hành chính đô thị của các địa phương như Tờ trình của Chính phủ. Ghi nhận hồ sơ các Đề án đã bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 29 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVH13. Các Đề án đã có dự kiến các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Hồ sơ Đề án còn kèm theo dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề án đã được lấy ý kiến cử tri trên địa bàn với tỷ lệ tán thành cao và kết quả lấy ý kiến cử tri đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo đúng quy định.
Bày tỏ ủng hộ các địa phương, các đại biểu khẳng định sự cần thiết và phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã xem xét kỹ lưỡng các Tờ trình và Đề án của Chính phủ, căn cứ vào Điều 9 và Điều 31 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành và phân loại đơn vị hành chính; có sự đối chiếu với hiện trạng của các địa phương, cân nhắc các tiêu chuẩn thành lập các thị trấn như về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, phân loại đô thị, về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời rà soát các điều kiện thành lập thị trấn bảo đảm phù hợp với kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc, các quy hoạch chung, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia và của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương; phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn.
Cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, song ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc hai xã tiếp giáp với xã Pơng Drang là xã Tân Lập và xã Ea đang là đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, vì vậy trong trường hợp Pơng Drang được công nhận là thị trấn, nếu sau này phải sáp nhập hai xã này thì các tiêu chí đô thị sẽ bị ảnh hưởng.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm
Theo bản đồ hiện trạng địa giới hành chính huyện Krông Búk, phần lớn diện tích của xã Tân Lập và xã Ea Ngai đều tiếp giáp với xã Pơng Drang dự kiến thành lập thị trấn nên quá trình sắp xếp sắp tới đối với 02 đơn vị hành chính này có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của Pơng Drang. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk cho biết định hướng cụ thể về phương án sắp xếp đối với xã Tân Lập và xã Ea Ngai đáp ứng các yêu cầu của Trung ương trong từng giai đoạn sắp xếp, nhất là xã Tân Lập sẽ thực hiện sắp xếp ngay trong giai đoạn 2023 - 2025. Trường hợp địa phương xác định phương án nhập hoặc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị này vào thị trấn Pơng Drang dự kiến được thành lập thì cần lưu ý đến vấn đề bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn về quy hoạch và phân loại đô thị đối với toàn bộ khu vực mở rộng. Đề nghị đề nghị tỉnh Đắk Lắk báo cáo rõ phương án dự kiến sắp xếp các đơn vị hành chính để bảo đảm tính ổn định của các đơn vị hành chính trên địa bàn huyện để có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tỉnh đã có phương án dự kiến. Theo đó sẽ điều chuyển quy hoạch thị trấn xung quanh huyện lị Krông Búk cắt Chư Kbô cho hai xã còn thiếu để bảo đảm yêu cầu về diện tích tự nhiên và dân số của các đơn vị hành chính. như vậy Pơng Drang sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban, các ý kiến phát biểu tại phiên họp cho thấy các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành cao với các Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Đối chiếu hiện trạng của các địa phương cho thấy cơ bản bảo đảm với các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ trình tự thủ tục bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 29 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ để có báo cáo giải trình tiếp thu làm rõ các ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật và các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát hoàn thiện các tờ trình, đề án và báo cáo bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật biểu quyết
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, qua xem xét các đề án thành lập đơn vị hành chính của một số địa phương cho thấy còn có những địa phương chưa có trung tâm huyện lị. Nhấn mạnh đây là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với các địa phương để có rà soát tổng hợp tình hình có báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư phát triển để phấn đấu mỗi huyện đều có thị trấn trung tâm.
100% thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; thành lập thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk; thành lập thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, thị trấn Tam Hồng huyện Yên Lạc, phường Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành thảo luận
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên báo cáo làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp
Các đại biểu biểu quyết nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập các thị trấn trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên