Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành hữu quan, các cơ quan hữu quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, Ban soạn thảo Bộ luật đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội góp ý tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, và đã có những điều chỉnh phù hợp hơn, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề lớn cần cân nhắc, một số quy định trong dự thảo luật vẫn nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau, như về vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Thống nhất phương án lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Xung quanh những quy định về lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự, nhiều đại biểu đồng tình với quy định lãi suất sẽ do hai bên tham gia quan hệ dân sự thỏa thuận, tuy nhiên, cần phải có những quy định cụ thể về lãi suất này để hạn chế phát sinh những vấn đề tiêu cực như nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Vì còn 2 luồng ý kiến khác nhau cho nên Ủy ban Thường vụ quốc hội đề ra 2 phương án về vấn đề lãi suất quy định tại điều 465 của dự thảo. Theo đó: Phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Phương án 2:Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ thống nhất với phương án 1 rằng lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật dân sự với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay là hợp lý. Việc quy định như vậy vẫn có thể bảo đảm được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đồng thời cũng không làm ảnh hưởng, đến sự can thiệp, điều hành của Ngân hàng Nhà nước trước những biến động của thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Phiên họp
Đồng tình với Phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, phương án này có điểm tiến bộ là đã đưa ra một mức lãi suất cố định và Ngân hàng Nhà nước không phải đưa ra khái niệm lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường cho vay biến động dẫn đến lạm phát vượt qua mức cho phép thì với mức lãi suất 20% người cho vay có thể bị thiệt vì đồng tiền mất giá so với đồng tiền thật. Do vậy, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề xuất, cũng với phương án này nhưng nếu nâng mức lãi suất lên 30% thì sẽ ứng phó được với tình hình biến động của thị trường, đồng thời cũng kiềm chế được tình hình cho vay nặng lãi. Nếu vượt quá 30% này thì coi như là cho vay nặng lãi.
Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự chỉ là cá nhân và pháp nhân
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân dự, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) về việc quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự chỉ là cá nhân và pháp nhân. Cụ thể, Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu băn khoăn, không một cá nhân nào trong xã hội là không tham gia vào quan hệ dân sự, như vậy, ngoài 2 chủ thể cá nhân và pháp nhân được nhắc đến trong dự thảo Bộ luật thì các chủ thể khác như: doanh nghiệp tư nhân, nhân viên bán hàng, hộ gia đình, tổ hợp tác… nếu không được điều chỉnh trong Bộ luật này thì sẽ được điều chỉnh trong luật nào?
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, Bộ luật dân sự (sửa đổi) nên tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì với đặc thù của Việt Nam thì hộ gia đình và tổ hợp tác là hai chủ thể khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt ở nông thôn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp
Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, qua tổng hợp lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh cùng 74/100 báo cáo của các bộ, ngành về vấn đề này, đều thể hiện nhất trí với việc quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự chỉ là cá nhân và pháp nhân. Bên cạnh đó, thực tế trong xét xử, khi có tranh chấp thì Tòa án khó quy trách nhiệm chung cho hộ gia đình, tổ hợp tác mà đều phải thông qua chủ thể là cá nhân. Quy định cụ thể tại Điều 101 của Bộ luật: trong trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì mỗi thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự trực tiếp tham gia hoặc cử người đại diện tham gia quan hệ dân sự.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, qua tham khảo pháp luật dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự cũng chỉ là cá nhân và pháp nhân.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý cho biết, đã là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình. Vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu công nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự thì sẽ phát sinh nhiều vướng mắc không giải quyết được. Bởi vậy, chỉ nên quy định cá nhân và pháp nhân là chủ thể trong pháp luật dân sự mà thôi.