CẦN DUY TRÌ BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ LÀ CẦN THIẾT

29/08/2021

Liên quan tới phạm vi áp dụng của biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được quy định tại Điều 211 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, việc duy trì biện pháp hành chính là cần thiết.

 

Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật  Sở hữu trí tuệ” 

Ngày 28/8, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo dưới hình thức trực tuyến.

Hiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, liên quan tới phạm vi áp dụng của biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang đưa ra 02 phương án xin ý kiến. Theo đó, phương án 1, các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính đã bị thu hẹp lại đáng kể, loại bỏ bớt các hành vi xâm phạm đối với các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Phương án 2, là giữ nguyên quy định hiện hành.

Cho ý kiến về nội dung này tại Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật  Sở hữu trí tuệ” ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam thể hiện quan điểm không tán thành với phương án 1 mà đề xuất lựa chọn phương án 2 với một số sửa đổi nhằm đáp ứng điều kiện thực tế cũng như cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định quốc tế mới được ký kết.

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho rằng, biện pháp xử lý vi phạm hành chính, về mặt nguyên tắc, cũng như được quy định tại Điều 2, Luật Xử lý Vi phạm hành chính là biện pháp được áp dụng để xử lý những “vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm”. Như vậy, về bản chất, hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính là những hành vi vi phạm, ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại tới trật tự quản lý nhà nước, an ninh, trật tự, an toàn xã hội nói chung, trong đó có môi trường kinh doanh, quyền và lợi ích của chủ thể quyền, đặc biệt là các chủ thể quyền là doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng.

Từ góc độ này, Điều 10 và Điều 11 của Luật SHTT về nội dung quản lý nhà nước về SHTT và trách nhiệm quản lý nhà nước về SHTT đã nêu rõ việc “thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ” như một phần nội dung quản lý nhà nước về SHTT. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng quyền SHTT và vi phạm/tranh chấp về quyền SHTT chỉ có bản chất dân sự, giữa các bên với nhau, mà không liên quan tới quản lý nhà nước là không chính xác.

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cũng cho biết thêm, việc duy trì biện pháp hành chính việc xử lý vi phạm SHTT hoàn toàn phù hợp với các Hiệp định Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, như Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),…. Theo các Hiệp định này, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đảm bảo rằng các thủ tục thực thi phải được quy định trong pháp luật quốc gia nhằm cho phép xử lý một cách hiệu quả bất kỳ hành vi xâm phạm quyền SHTT nào. Không một Hiệp định quốc tế nào hạn chế quyền của các quốc gia thành viên trong việc lựa chọn biện pháp áp dụng, ngược lại, các Hiệp định quốc tế cho phép các quốc gia thành viên tự lựa chọn cách thức, biện pháp thích hợp. 

Mặt khác, từ góc độ quốc tế, các nước mà lĩnh vực SHTT mới phát triển như Trung Quốc, Nga, các nước Asean, biện pháp hành chính vẫn được áp dụng song song với biện pháp dân sự. Vì vậy, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc nhấn mạnh rằng biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm SHTT là phù hợp về mặt nguyên tắc pháp lý, hoàn toàn không trái với các Hiệp  định quốc tế mà Việt Nam tham gia, và còn là cơ  chế phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn của Việt Nam.

Để lập luận cho quan điểm đưa ra, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc còn chỉ rõ tính hiệu quả của biện pháp hành chính trong thực tế xử lý vi phạm/tranh chấp SHTT; Tính khả thi của xử lý vi phạm/tranh chấp SHTT thông qua biện pháp dân sự tại Tòa án tương lai gần; Tác động kinh tế, xã hội vf hiệu quả quản lý nhà nước của Phương án 1 (nếu được lựa chọn).

Đề xuất lựa chọn phương án 2, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cũng đề nghị bỏ điều kiện “gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội” nêu tại Điều 211.1 (a), Luật Sở hữu trí tuệ để việc xử lý bằng biện pháp hành chính được khả thi hơn. Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung thêm hành vi “xuất khẩu” vào khoản b và c, Điều 211.1 nhằm tương thích với các quy định của EVFTA.

Đồng thời, đề xuất xây dựng một lộ trình cụ thể trong trung hạn và dài hạn (5-10 năm) cho việc bồi dưỡng năng lực cho ngành tòa án, cụ thể là thành lập Tòa chuyên trách về SHTT, bổ nhiệm Thẩm phán chuyên trách về SHTT và các bồi dưỡng chuyên ngành khác, trước khi có những sửa đổi luật tương ứng, tránh tình trạng luật ban hành nhưng không thể áp dụng.

Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội vào sáng 28/8. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Các chuyên gia tham dự dưới hình thức trực tuyến

Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (quy định về quyền tác giả và quyền liên quan; quy định về trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,..; quy định về quyền sở hữu công nghiệp; quy định đối với giống cây trồng;…). Qua thảo luận, nhiều vấn đề còn vướng mắc trong quy định tại dự thảo đã được chỉ rõ, nhiều phương án, giải pháp cụ thể đã được các đại biểu, các chuyên gia đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến do các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV phối hợp tổ chức nhằm kịp thời tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Đồng thời, khẳng định, đây sẽ là nguồn thông tin quý báu, bổ ích phục vụ thiết thực cho công tác thẩm tra dự án Luật, cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn giúp làm rõ các nội dung đang được đề nghị hoặc cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhằm tham mưu có hiệu quả để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung  vào các năm 2009 và năm 2019) đã tạo lập môi trường pháp lý hữu hiệu nhằm phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với thực tiễn gian qua và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ. Qua 15 năm thi hành, trước sự vận động, phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế -xã hội trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là những cơ hội và thách thức do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mang lại, một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ bất cập cần được kịp thời tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực, môi trường thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đồng thời thực thi các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021)./.

Lê Anh