Toàn cảnh Hội thảo
Dưới hình thức trực tuyến, hội thảo có sự tham gia của đại điện một số cơ quan của Quốc hội, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Tại hội thảo, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc AST Law và SB Law cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã qua nhiều lần sửa đổi kể từ khi ban hành lần đầu năm 2005. Tuy nhiên, vẫn còn có những quy định chưa đầy đủ và phù hợp vưới các quy định của các Điều ước Quốc tế, chặng hạn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đề cập đến đối tượng được bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu, bao gồm cả âm thanh. Trong khi đó, đối chiếu lại quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, Khoản 1 Điều 72 quy định nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện: “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tốt đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”. Như vậy, trong số các đối tượng được liệt kê đủ điều kiện được bảo hộ không có “âm thanh” – các đối tượng có thể nhận diện thông qua việc nghe (thính giác). Có thể nói, quy định của pháp luật SHTT hiện tại đang bó hẹp trong việc nhận diện nhãn hiệu qua thị giác, có nghĩa phải nhìn thấy được. Điều này, hiện tạo nên rào cản đối với các chủ thể muốn tiến hành đăng ký nhẵn hiệu âm thanh.
Dự thảo Luật SHTT đã đưa “âm thanh” là một dấu hiệu có đủ điều kiện để bảo hộ là nhãn hiệu. Tuy nhiên, dự thảo Luật yêu cầu dấu hiệu âm thanh phải được trình bày dưới dạng đồ họa. Theo Luật sư Phạm Duy Khương, quy định này có thể không rõ ràng và phức tạp trong quá trình thực thi. Luật sư đề xuất quy định này nên được cụ thể hóa là “dấu hiệu âm thanh được thể hiện dưới dạng nốt nhạc hoặc sóng âm thanh” để thực hiện khả thi hơn.
Luật sư Phạm Duy Khương cũng nhấn mạnh, đối với nhãn hiệu âm thanh khi tiến hành đăng ký, nên áp dụng linh hoạt, nếu là âm nhạc phải thể hiện bằng các nốt nhạc trên khuông nhạc vì khuông nhạc là hình thức mô tả âm nhạc cụ thể và chính xác nhất, nếu người nộp đơn muốn có thể mô tả chi tiết thêm bằng từ ngữ, lời văn; đối với âm thanh không phải là âm nhạc không thể hiện bằng nốt nhạc thì mô tả bằng từ ngữ, lời văn một cách chính xác, thống nhất với âm thanh được sử dụng thực tế làm nhãn hiệu.
Góp ý vào nội dung này, PGS.TS Lê Thị Nam Giang - Giảng viên trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật SHTT hiện nay chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Theo PGS.TS Lê Thị Nam Giang, bảo hộ âm thanh là vấn đề rất mới đối với không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Việc đưa vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vào dự thảo Luật thì không phải để đáp ứng điều kiện thực tế hiện nay vì thời gian chúng ta phải thực thi luật rất sớm (01/2022) mà chủ yếu để chúng ta thực hiện các cam kết quốc tế. Vì vậy, khi bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cần có sự rà soát các quy định của pháp luật để làm sao cho quy định này có thể áp dụng trên thực tế khi tiến hành triển khai.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến, kết nối với nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực SHTT
Theo PGS.TS Lê Thị Nam Giang, với quy định hiện nay, thực chất chúng ta đang thiếu 1 cơ sở pháp lý cho việc từ chối bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong 2 tình huống. Đối với, nhãn hiệu âm thanh được cấu tạo thành âm thanh đơn giản, chúng ta có thể bổ sung ngay vào điểm a, khoản 2 điều 74. Trong đó, đưa vào việc loại trừ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đơn giản trừ trường hợp nếu như dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi như 1 nhãn hiệu trước ngày nộp đơn. Và tương tự với việc nhãn hiệu âm thanh trùng hoặc tương tự với 1 tác phẩm âm nhạc hoặc là 1 phần của 1 tác phẩm âm nhạc thì hiện nay chúng ta cũng không có cơ sở để từ chối trong khi đó nhãn hiệu âm thanh có thể được cấu tạo từ tác phẩm âm nhạc hoặc những dấu hiệu âm thanh khác ví dụ như tiếng động của con người, tiếng động của tự nhiên; … Vì vậy, đề xuất bổ sung vào quy định tại điểm p khoản 2 điều 74 đưa vào trường hợp loại trừ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác trước ngày nộp đơn.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Thị Nam Giang đề nghị bổ sung quy định về mẫu nhãn hiệu âm thanh quy định tại Điều 105 Luật SHTT và có thể ưu cầu mẫu nhãn hiệu thể hiện ở dạng đồ họa hoặc có thể kèm theo file chiếu mẫu nhãn hiệu. Lý giải về đề xuất này, PGS.TS Lê Thị Nam Giang cho biết, bổ sung quy định này bởi vì mẫu nhãn hiệu âm thanh là một vấn đề cực kỳ phức tạp, hiện nay pháp luật của các nước bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cũng quy định không hoàn toàn giống nhau. Với 1 đối tượng mới thì chúng ta nên có một hướng dẫn và nên quy định chi tiết trong luật chứ không phải văn bản dưới luật về yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu.
Hoàn toàn đồng ý với Ban soạn thảo nhãn hiệu âm thanh chỉ là 1 nhãn hiệu đặc biệt và chính vì vậy những quy định mang tính nguyên tắc quy định cho nhãn hiệu thông thường cũng sẽ được áp dụng cho nhãn hiệu âm thanh. Tuy nhiên xuất phát từ tính đặc thù của nhãn hiệu âm thanh, PGS.TS Lê Thị Nam Giang đề nghị cũng cần có sự sửa đổi, bổ sung cho đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời, PGS.TS Lê Thị Nam Giang mong muốn Ban soạn thảo có thể làm rõ hơn về dấu hiệu âm thanh có thể thể hiện dưới phần đồ họa đang được bổ sung tại Điều 72 bởi vì, dấu hiệu âm thanh rất là rộng.
Chuyên gia phát biểu tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, chú trọng làm rõ mức độ đáp ứng yêu cầu khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; Tính khả thi của dự thảo Luật; Tính thống nhất của dự thảo Luật với quy định của các luật có liên quan và đề xuất phương án hoàn thiện;…
Qua thảo luận, nhiều vấn đề còn vướng mắc trong quy định tại dự thảo đã được chỉ rõ, nhiều phương án, giải pháp cụ thể đã được các đại biểu, các chuyên gia đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cảu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Nhấn mạnh, đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến do các cơ quan của Quốc hội khóa XV phối hợp tổ chức nhằm kịp thời tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Đồng thời, khẳng định, đây sẽ là nguồn thông tin quý báu, bổ ích phục vụ thiết thực cho công tác thẩm tra dự án Luật, cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn giúp làm rõ các nội dung đang được đề nghị hoặc cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhằm tham mưu có hiệu quả để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021)./.