CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP RÀ SOÁT TÍNH ĐỒNG BỘ CỦA MỘT SỐ DỰ ÁN LUẬT

22/08/2023

Sáng 22/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Kinh tế rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

Cùng dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Toàn cảnh phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và thảo luận lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo dự kiến cả 3 dự án Luật này đều sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) tới. Đây đều là những dự án được các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi các nội dung của luật đều tác động trực tiếp đến nhu cầu thiết yếu, quyền và lợi ích của người dân, cũng như tác động đến thị trường bất động sản, thị trường nhà ở và nền kinh tế. Với tầm quan trọng như vậy mỗi quy định, mỗi chính sách của các dự thảo Luật đều cần phải được rà soát, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng

Do có nhiều nội dung liên quan mật thiết với nhau nên việc Quốc hội xem xét thông qua cả 3 dự án luật cùng thời điểm có nhiều thuận lợi nhưng cũng là áp lực đối với các cơ quan trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu cao về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với 238 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội và tổ chức nhiều phiên họp, làm việc với các cơ quan hữu quan, tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật.

Trong đó nhiều ý kiến đề nghị rà soát để phân định rõ, bảo đảm tính thống nhất giữa phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai tránh xung đột, trùng lặp giữa các luật. Nhất là các nội dung về chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, quỹ đất để phát triển nhà ở, về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại…nội dung chỉnh lý vấn đề này trong Luật Đất đai phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục các điểm chồng chéo, xung đột, thiếu khả thi.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan tham dự phiên họp

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, về hình thức phát triển nhà ở xã hội, ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê; hình thức nhà lưu trú công nhân, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân, xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân…có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ việc dành quỹ đất thích hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân phải bảo đảm về tỷ lệ phần trăm quỹ đất, diện tích khu công nghiệp, số lượng công nhân.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời thảo luận cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, thống nhất nhiều nội dung, làm rõ nội dung nào cần quy định cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các đại diện cơ quan, ban ngành tham gia phiên họp đã thảo luận tích cực và rất trách nhiệm về một số nội dung có quy định khác biệt giữa các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Qua đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã thống nhất một bước hướng xử lý một số vấn đề quy định chưa thống nhất giữa ba dự thảo Luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, một số nội dung của ba dự án Luật nêu trên chưa thống nhất hướng chỉnh lý sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh tinh thần tiếp cận cởi mở các vấn đề để thảo luận thấu đáo, kỹ lưỡng, thuyết phục lẫn nhau giữa các cơ quan hữu quan, qua đó bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các dự án Luật khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đồng thời khẳng định, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ để tiếp thu các vấn đề liên quan ba dự án Luật được đại diện Bộ ngành, hiệp hội, chuyên gia đề cập tại phiên họp này, để bảo đảm các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt họp thứ hai Phiên họp thứ 25 này thống nhất các nhóm vấn đề.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành thảo luận

Các Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại phiên họp

Thứ tưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội Trương Thị Diệu Thúy phát biểu

Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội Tạ Lê Thanh trao đổi 

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính phát biểu.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác