THẨM TRA ĐỀ NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ BỔ SUNG 02 DỰ ÁN LUẬT VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023
BẢO ĐẢM SỰ ỔN ĐỊNH CỦA HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG, PHÁT TRIỂN AN TOÀN, LÀNH MẠNH HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
Tại Phiên họp thứ 21 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại Phiên họp Thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Kinh tế nhận thấy 06 chính sách được đề xuất đè trong nghị xây dựng luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Tuy nhiên, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều luật và nhiều cam kết quốc tế; đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành.
Đối với chính sách thứ 3 về hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành thông tin thêm, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, hướng tới ngân hàng số. Tuy nhiên, để bảo đảm chính sách được triển khai có hiệu quả, đề nghị phải rà soát kỹ lưỡng các quy định của pháp luật hiện hành để đề xuất các quy định phù hợp, bảo đảm sự phát triển của hoạt động tín dụng trên không gian mạng, nhưng vẫn bảo đảm an toàn, an ninh mạng, an toàn tài chính và thông tin, dữ liệu cá nhân. Ủy ban Pháp luật đề nghị cần làm rõ nội hàm và khái niệm “ngân hàng số” để bảo đảm tính trong tất cả các khâu, nhất là khâu thẩm định, cấp tín dụng, quản trị rủi ro, kiểm soát sau cho vay, việc liên kết, liên thông qua hệ thống điện tử để giảm thiểu những rủi ro phát sinh đối với an ninh, an toàn hệ thống, nguy cơ rửa tiền hoặc vi phạm pháp luật qua không gian mạng.
Quan tâm đến nội dung trên, thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với các lý do như đề cập trong Tờ trình của Chính phủ. Việc đưa dự án luật này bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 là để thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về nội dung chính sách của dự án Luật, đối với Chính sách số 3, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, việc hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, qua thực tiễn thời gian qua, nhiều Ngân hàng Việt Nam đã triển khai kế hoạch, chính sách về chuyển đổi số, đã đầu tư ứng dụng công nghệ để số hóa sản phẩm dịch vụ, hợp tác với công ty công nghệ tài chính (Fintech) để triển khai các kênh phân phối riêng dưới các thương hiệu ngân hàng số; đồng thời, có thể xuất hiện mô hình hoạt động hoàn toàn trên kênh số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh, Thường trực Ủy ban thấy rằng về cơ bản, các vấn đề trên đều có quan hệ chặt chẽ với nhiều nội dung đang được điều chỉnh trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) như: về quy định pháp lý của giao dịch điện tử (thông điệp dữ liệu an toàn; chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy và ngược lại); về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng trong giao dịch điện tử; về nền tảng số trung gian,...
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang được giao chuẩn bị hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó: có nội dung điều chỉnh về “Cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số” quy định cơ bản đầy đủ các thiết chế để quản lý cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện cơ chế thử nghiệm.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì trình dự án Luật quan tâm, nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách mới trong các dự án Luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thống nhất về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần chú ý việc bổ sung, sửa đổi dự án Luật cần tránh sự chồng chéo với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) khi đề cập về chính sách 1: Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, khi biên soạn dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Ban soạn thảo đã lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về nội dung tín dụng nội bộ và ngân sách. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, vẫn còn có sự vênh trong quy định về thành viên hội đồng quản trị.
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định nếu nội dung có sự khác biệt giữa Luật Hợp tác xã và luật chuyên ngành thì áp dụng theo luật chuyên ngành. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì cần có sự thống nhất chặt chẽ giữa các quy định của Luật này với Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và các luật khác./.