THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI): QUY ĐỊNH ĐỂ PHÁT TRIỂN CÁC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG ỔN ĐỊNH, PHÙ HỢP

15/03/2024

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công chứng (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Pháp luật, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, đặt vấn đề định hướng phát triển, phân bổ theo địa bàn bảo đảm phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Với mục tiêu phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.

Đồng thời, với mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động công chứng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương nhằm tăng quyền chủ động quyết định phù hợp với điều kiện thực tế như ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương; xem xét, quyết định việc chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Thông tin về ý kiến nghiên cứu ban đầu liên quan đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, qua nghiên cứu, thảo luận, có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ các quy định này vì đây là các nội dung quản lý mang tính chất quy hoạch phát triển ngành đã bị bãi bỏ theo Luật Quy hoạch.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định của dự thảo Luật có những điểm hợp lý nhất định vì đáp ứng nhu cầu thực tiễn, khắc phục các vướng mắc hiện nay như: Việc phân bố tổ chức hành nghề công chứng giữa các khu vực, vùng miền có sự chênh lệch rất lớn. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng bị bãi bỏ, hàng loạt Văn phòng công chứng tại các tỉnh, thành phố lớn được thành lập mới không theo nhu cầu của xã hội, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh hoặc thiếu hụt tổ chức hành nghề công chứng ở một số khu vực nhất định. Quy định của dự thảo Luật bảo đảm phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Tuy nhiên, quy định theo hướng này thì cần phải sửa đổi quy định có liên quan của Luật Quy hoạch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của việc bãi bỏ Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo yêu cầu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho rằng quy định về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng chưa thực sự phù hợp, chưa rõ ràng khi chưa xác định rõ thế nào phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, dân số... Quy định này cũng mâu thuẫn ngay với Điều 42 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề tại sao nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng lại giới hạn theo địa hạt cấp huyện, trong khi công chứng viên có thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản trong phạm vi cả nước hoặc cấp tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cũng cho rằng không nên quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Đề án quản lý phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương tại khoản 1 điều 73 dự thảo Luật, cho rằng đây là hình thức khác của quy hoạch, quy định như này là trái với Luật Quy hoạch.

Trước những băn khoăn cho rằng cần phải có công cụ để quản lý các tổ chức hành nghề công chứng, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, sự phát triển của các tổ chức hành nghề là vai trò của thị trường điều tiết. Mặt khác, Luật Đầu tư 2014 quy định công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhà nước quản lý công chứng viên và tổ chức hành nghề bằng những tiêu chí, điều kiện được quy định rất chặt chẽ nên không cần thiết có thêm quy định về đề án, thủ tục xét duyệt để quản lý.

Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban  Kinh tế bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật quy định về xem xét quyết định chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng. Bởi quy định này tác động trực tiếp đến người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi đi lại khó khăn thì cần cân nhắc một cách kĩ lưỡng khi quy định

Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đặt vấn đề, thực tế có những lộn xộn trong phát triển các tổ chức hành nghề công chứng nhưng liệu ứng xử với lộn xộn đó bằng cách thức quy hoạch lại thì liệu có ổn hay không? Do đó, Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn bày tỏ đồng tình với quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và cho rằng ở đây yếu tố thị trường rất quan trọng, một địa bàn tự nhiên có giao dịch nhiều, đô thị hóa nhanh thì công chứng sẽ nhiều, nếu nay quy hoạch lại, không cho văn phòng công chứng hoạt động theo tín hiệu thị trường thì lại tạo sự độc quyền, khi đó sẽ có những hệ lụy không kém phần nghiêm trọng. Tổng Thư ký VCCI đề nghị hết sức cân nhắc quy định này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Phó Chủ nhiệm Ủy Pháp luật Ngô Trung Thành cũng không đồng tình với việc ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Với mục tiêu để các tổ chức hành nghề công chứng phát triển một cách hợp lý nhưng không thể vì thế mà ban hành đề án có tính chất như một dạng quy hoạch lại làm hạn chế sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc quản lý dự trên điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn qua đó điều tiết số lượng công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng nên quy định mở để phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Nếu như đầu vào của công chứng viên khó khăn, nay thành lập tổ chức hành nghề công chứng cũng lại khó khăn thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cho biết thêm tại những khu vực như của Nghệ An để có thể thực hiện dịch vụ công, người dân phải đi 300 km từ huyện đến thành phố. Do đó thay vì có đề án như quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng nên phát triển phòng công chứng ở những khu vực khó khăn để tạo thuận lợi cho người dân. Đối với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có thể xã hội hóa thì nên để thị trường điều tiết sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện nay giữa các địa phương theo yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội có sự khác nhau về số lượng các tổ chức hành nghề công chứng như Hà Nội hiện có 455, Thành phố Hồ Chí Minh là 450, Lâm Đồng là 90, trong khi các tỉnh như Lai Châu có 3 Điện Biên là 5. Nhưng cùng ở Hà Nội thì những huyện như Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Quốc Oai chỉ có 1 tổ chức hành nghề công chứng, trong khi trên địa bàn các quận trung bình là 6, cá biệt quận Cầu Giấy là 13 quận Hà Đông là 10. Do đó cần phải tính toán đến quản lý và phân bổ. Mặt khác Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xử lý chuyển Phòng Công chứng và thành lập các tổ chức hành nghề công chứng theo kiểu khác nhau. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết trên thực tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều có phân bổ cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu; đánh giá cao Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ dự án Luật rất công phu, kỹ lưỡng. Qua thảo luận cho thấy vẫn còn một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới. Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tích cực phối hợp với Thường trực các Ủy ban và cơ quan hữu quan để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Đào Duy An

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Bảo Yến - Phạm Thắng