KHAI MẠC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 11 ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI

05/04/2018

Sáng 05/4, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Quốc phòng an ninh; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, cùng toàn thể các thành viên của Ủy ban Pháp luật.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban kéo dài trong hai ngày 05-06/4, theo Chương trình làm việc, Ủy ban Pháp luật tiến hành cho ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi); Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Thẩm tra đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo

Trình bày báo cáo về việc tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong phiên làm việc buổi sáng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đã chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung của dự thảo Luật, Cụ thể:

Về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất xây dựng các tiêu chí để rà soát danh mục ngành nghề, chỉnh lý một bước Danh mục ngành nghề. Dự thảo Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu sau khi được rà soát bao gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành nghề so với Danh mục Chính phủ trình; bên cạnh đó dự thảo Luật đã bổ sung quy định mở về việc áp dụng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tạo cơ chế năng động, sáng tạo linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế-xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu.

Về ngân sách đặc khu, dự thảo Luật được chỉnh lý quy định rõ ngân sách đặc khu là một phần ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách ngân sách đặc khu thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật này.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật

Về Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu, để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương đặc khu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Tuy nhiên việc thành lập tổ chức mới như Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu là không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy. Do đó vấn đề này cần phải được nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng.

Về cán bộ công chức chế độ công vụ và chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở đặc khu, dự thảo Luật quy định tại đặc khu, đa số đội gnux công chức làm việc theo chế độ hợp đồng, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trên cơ sở nguyên tắc người sử dụng lao động sẽ trực tiếp tuyển dụng lao động, không thực hiện chế độ công chức suốt đời, không có chỉ tiêu biên chế; đồng thời cải cách mạnh mẽ với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chwucs người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở đặc khu.

Về vấn đề chuyển tiếp đối với chính quyền đại phương ở đặc khu, để đảm bảo hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại theo mô hình mới, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc chuyển tiếp tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Theo đó Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn, huyện Vạn Ninh, huyện Phú Quốc tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được bầu ra.

Thành viên Ủy ban phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban nhận định việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính kinh tế đặc biêt cần đáp ứng các yêu cầu là bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp; bảo đảm tinh gọn đầu mối, phân cấp, phân quyền mạnh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chính quyền đơn vị hành chính kinh tế đặc biêt, đáp ứng yêu cầu xây dựng thể chế hành chính thuận lợi, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự lạm quyền nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ cho lãnh đạo đặc khu.

Tuy nhiên, do đây là một dự án Luật lớn, nội dung phức tạp, nên để bảo đảm tính đồng bộ trong việc xem xét, thông qua dự án Luật và thành lập các đặc khu thì ngoài việc hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan còn phải xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đặc khu./.

 

Hồ Hương- Lê Huy