Cùng tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Ủy viên Thường trực, các Ủy viên Ủy ban Pháp luật; đại diện một số Uỷ ban của Quốc hội cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi, bổ sung 04 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 3 hiệu lực thi hành.
Uỷ ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hoá tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong thời gian qua.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Tri Thức trình bày báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật
Về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo, cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, chính quyền địa phương. Quy định như vậy đã thể hiện tinh thần phân cấp mạnh của Chính phủ, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương.
Về hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, đa số các ý kiến nhận thấy, thực tế vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cần được hướng dẫn, quy định cụ thể trong Luật. Chẳng hạn như hiệu lực của quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền phê chuẩn; việc miễn nhiệm người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu để thực hiện chủ trương điều động, luân chuyển hoặc nghỉ hưu theo chế độ; việc thôi làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi không còn công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu được bầu…
Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Vì vậy, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định có lien quan đến vấn đề này trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp nhất 03 văn phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo phiên họp
Phát biểu chỉ đạo nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, của Chính phủ theo đúng tinh thần của Đảng và nhà nước, đồng thời đảm bảo sự ổn định, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phó Chủ tịch cho rằng, cần phân cấp mạnh hơn giữa trong Chính quyền địa phương và phân cấp giữa Trung ương và Chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau. Giữa Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cần tăng cường vai trò của cơ quan quyền lực, cơ quan dân cử bởi đây là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của địa phương./.