ỦY BAN PHÁP LUẬT CHO Ý KIẾN VỀ TỜ TRÌNH ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ XÃ MỸ HÀO VÀ 07 PHƯỜNG THUỘC THỊ XÃ MỸ HÀO, TỈNH HƯNG YÊN

06/03/2019

Chiều ngày 06/3, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 16, Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về Tờ trình đề án thành lập thị xã Mỹ Hào và 07 phường thuộc thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Trình bày Tờ trình đề án thành lập thị xã Mỹ Hào và 07 phường thuộc thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ, Mỹ Hào là huyện phía bắc tỉnh Hưng Yên, có vị trí giao thông thuận lợi, là khu vực đầu mối giao thông quan trọng của Vùng đồng bằng bắc bộ giữa Quốc lộ 5A và Quốc lộ 39A. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, huyện Mỹ Hào đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người đạt 68,9 triệu đồng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 3.700 tỷ đồng; các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng trung bình trên 96%; kết cấu hạ tầng đang tiến tới đồng bộ; y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; diện mạo đô thị nhiều khởi chắc và ngày càng khang trang.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho biết, việc thành lập thị xã Mỹ Hào và 07 phường thuộc thị xã Mỹ Hào đã bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ, thủ tục thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và 07 phường thuộc thị xã Mỹ Hào đã đáp ứng đầy đủ theo quy định.

Cho ý kiến về Tờ trình đề án, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thành lập mới  đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nâng cấp nguyên trạng một đơn vị hành chính cùng cấp thì cần áp dụng theo quy định mới nhất tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, nếu đơn vị hành chính nào chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì bắt buộc phải thực hiện việc sắp xếp; còn đơn vị nào không thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn từ nay đến 2021 thì vẫn cho phép thành lập nếu đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng phải có báo cáo, giải trình cụ thể về phương án, kế hoạch, lộ trình thực hiện sắp xếp theo đúng chủ trương của Đảng. Do đó đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên phải có báo cáo, giải trình cụ thể về phương án, kế hoạch, lộ trình thực hiện sắp xếp thị xã Mỹ Hào và các đơn vị hành chính trực thuộc thị xã trong giai đoạn 2022-2030 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính.

Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về Đề án

Ủy ban Pháp luật đánh giá, hồ sơ đề án Chính phủ trình bao gồm Tờ trình, Đề án, Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và các tài liệu khác kèm theo. Như vậy hồ sơ đề án và các tài liệu đã bảo đảm đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 29 của Nghị quyết số 1211.

Căn cứ vào chủ trương của Đảng, pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ thành lập thị xã Mỹ Hào và 07 phường thuộc thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, để có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên giải trình, làm rõ thêm một số nội dung. Cụ thể: giải trình cụ thể về phương án, kế hoạch, lộ trình sắp xếp thị xã Mỹ Hào trong giai đoạn 2022-2030; giải trình rõ về nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho việc xây dựng phát triển đô thị Mỹ Hào trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp hiện nay; việc  sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế khi thành lập thị xã và 07 phường, đặc biệt là sắp xếp đội ngũ công an chính quy và bố trí trụ sở Công an phường để không tăng biên chế, không tăng ngân sách mà vẫn đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy chính quyền ở đô thị.

Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày thông qua để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập; đồng thời bổ sung, quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua./.

 

Hồ Hương- Nghĩa Đức