Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Phiên họp toàn thể trực tuyến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Trình bày tóm tắt các Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn thuộc tỉnh Bình Định; thành lập phường thuộc các tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh; điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh Bình Định, Hòa Bình, Bắc Ninh, Đắk Nông và của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có Tờ trình số 607/TTr-CP ngày 30/11/2020; Tờ trình số 619/TTr-CP ngày 10/12/2020; Tờ trình số 625/TTr-CP ngày 21/12/2020; Tờ trình số 628/TTr-CP ngày 22/12/2020 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông.
Cụ thể, đề nghị thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định trên cơ sở toàn bộ 17,64 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.597 người của xã Cát Tiến. Sau khi thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc, nhưng có tăng 01 thị trấn và giảm 01 xã (từ gồm 117 xã, 32 phường và 10 thị trấn thành 116 xã, 32 phường và 11 thị trấn).
Đề nghị thành lập phường Quỳnh Lâm trên cơ sở toàn bộ 9,15 km2 diện tích đất tự nhiên và dân số 7.855 người của xã Sủ Ngòi và thành lập phường Trung Minh trên cơ sở toàn bộ 14,57 kmỏ diện tích tự nhiên và dân số 7.071 người của xã Trung Minh. Sau khi thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc, nhưng có tăng 02 phường và giảm 02 xã (từ 10 phường, 10 thị trấn và 131 xã thành 12 phường, 10 thị trấn và 129 xã).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ
Đề nghị thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gồm thành lập phường Hương Mạc trên cơ sở nguyên trạng 5,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 19.576 người của xã Hương Mạc; thành lập phường Phù Chẩn trên cơ sở nguyên trạng 5,98 km2 diện tích tự nhiên và dân số 19.656 người của xã Phù Chẩn; thành lập phường Phù Khê trên cơ sở nguyên trạng 3,47 km2 diện tích tự nhiên và dân số 12.703người của xã Phù Khê; thành lập phường Tam Sơn trên cơ sở nguyên trạng 8,45 km2 diện tích tự nhiên và dân số 16.279 người của xã Tam Sơn và thành lập phường Tương Giang trên cơ sở nguyên trạng 5,66 km2 diện tích tự nhiên và dân số 12.811người của xã Tương Giang.
Kết quả sau khi thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính các cấp trực thuộc, nhưng có tăng 05 phường và giảm 05 xã (từ 26 phường, 06 thị trấn và 94 xã thành 31 phường, 06 thị trấn và 89 xã).
Về điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông, đề nghị điều chỉnh 2,56 km2 diện tích tự nhiên của thôn Năm Tầng, xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil về xã Cư Knia, huyện Cư Jút quản lý; Điều chỉnh 4,64 km2 diện tích tự nhiên và 425 người của thôn Đăk Hưng, thị trấn Đắk Mâm về xã Nam Xuân quản lý; Điều chỉnh 2,60 km2 diện tích tự nhiên và 270 người của thôn Đắk Tân, thị trấn Đắk Mâm về xã Tân Thành quản lý; Điều chỉnh 2,58 km2 diện tích tự nhiên của thôn Đắk Ri, xã Tân Thành về xã Nam Xuân quản lý.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũng như việc điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông và cho biết, căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, đối chiếu với các đơn vị dự kiến thành lập phường và thị trấn, các trường hợp thành lập các phường và thị trấn đều bảo đảm các điều kiện và đạt các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định. Đối với trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính: sau điều chỉnh địa giới hành chính, cả 02 ĐVHC cấp huyện và 04/05 ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông không đạt 100% của một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút trước và sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đều không đạt tiêu chuẩn về số lượng ĐVHC trực thuộc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới hành chính của các ĐVHC theo Đề án này không làm tăng thêm ĐVHC mới nên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 thì không phải tính đến các tiêu chuẩn này.
Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng đều bày tỏ băn khoăn về báo cáo đánh giá tác động của các Đề án của Chính phủ và của các địa phương. Chỉ rõ một số nội dung như chưa được thể hiện rõ ràng, chưa thực sự phù hợp với thực tế như vấn đề đào tạo sắp xếp thay thế cán bộ hay đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, các đại biểu đề nghị có rà soát, khảo sát thực tế để có đánh giá sát thực tế từ đó đưa ra giải pháp khả thi. Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám cho rằng bên cạnh các thay đổi về thủ tục hành chính, giấy tờ, tên gọi…đối với một số đơn vị thành lập chính quyền đô thị sẽ có sự thay đổi về giá đất, thuế đất, kéo theo đó các giá dịch vụ sẽ tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, có thể gây xáo trộn nhưng trong các báo cáo đánh giá tác động lại chưa làm rõ. Do đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá, làm rõ và có giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh.
Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, thời gian sắp tới (từ tháng 01 đến tháng 5/2021) là cao điểm phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Vì vậy, để các cấp, các ngành và chính quyền địa phương yên tâm, tập trung chăm lo công tác bầu cử, tránh gây xáo trộn, phức tạp trong quá trình thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách cử tri, chia đơn vị bầu cử,... do sự thay đổi giữa ĐVHC mới và ĐVHC cũ, cần có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tạm dừng việc xem xét, quyết định các đề án về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã từ tháng 02/2021 đến khi tổ chức xong công tác bầu cử. Đối với các Đề án được Chính phủ trình từ năm 2021 sẽ tiếp tục được Ủy ban Pháp luật sắp xếp thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tổ chức xong công tác bầu cử.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nôi dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của các đề án. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan cần rà soát, chỉnh sửa chính xác các số liệu về các đơn vị hành chính; Chính phủ cần có hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi thực hiện báo cáo đánh giá tác động của các đề án./.