Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp
Trình bày các Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Theo Tờ trình số 77/TTr-CP ngày 09/3/2020 của Chính phủ, Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Nghi Sơn và thành lập các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Việc thành lập thị xã Nghi Sơn trên cơ sở nguyên trạng huyện Tĩnh Gia.
Theo Tờ trình số 97/TTr-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ, Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường thuộc thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo Tờ trình số 99/TTr-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ, Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Đông Hòa và 05 phường: Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Xuân Tây thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Việc thành lập thị xã Đông Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số huyện Đông Hòa và 05 phường trực thuộc trên cơ sở nguyên trạng 02 thị trấn và 03 xã thuộc huyện Đông Hòa tạo cơ sở pháp lý và tiền đề cho địa phương phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và các phường trực thuộc các thị xã.
Căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 về tiêu chuẩn thành lập thị xã và phường thuộc thị xã, đối chiếu với các đơn vị dự kiến thành lập thị xã và phường cho thấy, các đơn vị cơ bản đạt các điều kiện và tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định. Hồ sơ các Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên giải trình một số nội dung. Đối với việc thành lập thị xã Nghi Sơn và 16 phường trực thuộc, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia dự kiến thành lập có Khu kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, với nhiều nhà máy điện than, lọc hóa dầu, luyện thép, khai thác cảng biển, dịch vụ, du lịch,... nên trong quá trình phát triển, sẽ có những tác động nhất định đến môi trường đô thị. Vì vậy, đề nghị sớm có giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn, có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu các sự cố môi trường trên địa bàn, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị xã sau khi được thành lập. Đề nghị giải trình thêm về nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị của thị xã Nghi Sơn từ nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn như hiện nay. Đồng thời, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của chính quyền ở đô thị. Đối với một số xã dự kiến thành lập phường có diện tích đất nông nghiệp lớn, đề nghị báo cáo thêm về định hướng xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của đô thị.
Ủy ban Pháp luật họp trực tuyến
Về việc thành lập thị xã Hoài Nhơn và 11 phường trực thuộc, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc thành lập thị xã Hoài Nhơn trên cơ sở nguyên trạng một đơn vị có diện tích tự nhiên lớn, với 420,84 km2 (gấp 2 lần tiêu chuẩn chung), diện tích diện tích đất phi nông nghiệp chiếm 16,75% (7.047,28 ha), trong khi đất nông nghiệp chiếm tới 82,36% (34.660,73 ha) sẽ đặt ra áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn. Tuy nhiên, trong Đề án của Chính phủ lại chưa đề cập đến các nội dung này, đề nghị cần có biện pháp giải quyết những vấn đề nêu trên để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đô thị Hoài Nhơn.
Đối với việc thành lập thị xã Đông Hòa và 05 phường trực thuộc, đề nghị làm rõ các số liệu về bảo đảm thu nhập bình quân trên đầu người trên địa bàn huyện Đông Hòa bảo đảm tính thuyết phục hơn; làm rõ nguồn vốn đầu tư để thực hiện xây dựng các dự án, công trình.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị xem xét lại các tiêu chí về việc thành lập thị xã để có kiến nghị sửa đổi Nghị quyết Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền chỉ rõ, hiện nay một số tiêu chí còn mang tính hình thức như cân đối thu chi ngân sách, các tiêu chí về tỷ lệ đất nông nghiệp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, phát triển đô thị xanh…cũng cần được nghiên cứu, xem xét tính tới thay đổi, điều chỉnh phù hợp.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các Đề án của Chính phủ và thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định thành lập 03 thị xã và các phường trực thuộc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận
Đồng thời đề nghị làm rõ một số nội dung cụ thể về số liệu, các tiêu chuẩn, về chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, vấn đề quản lý đô thị, rà soát tiêu chí phân loại đô thị, hiệu lực nghị quyết, hồ sơ Đề án. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Nội vụ cùng các cơ quan hữu quan sớm có giải trình bằng văn bản các ý kiến của các thành viên Ủy ban Pháp luật tại phiên họp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định; đề nghị các cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến các thành viên Ủy ban để có rà soát, tổng kết đánh giá các tiêu chí thành lập và phân loại đô thị cùng với việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn vừa qua để có báo cáo, đề xuất sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, như cầu phát triển của địa phương./.