Qua thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ.
Các đại biểu cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của các tỉnh, thành phố.
Chiều 05/02, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 06 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Tp.Hà Nội, Tp.Cần Thơ và Cao Bằng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị chú ý đến các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội và quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn các huyện thực hiện sắp xếp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại phiên họp.
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị tổ chức tốt phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, sáp nhập huyện là vấn đề rất lớn, cần phải có nghiên cứu, tính toán kỹ.
Trước lo ngại về một số địa phương đề nghị chưa sắp xếp các đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho rằng các tỉnh cần báo cáo lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính đặc biệt là các đơn vị chưa đạt các tiêu chí; đồng thời cần thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở các địa phương sau sắp xếp.
Đại diện lãnh đạo địa phương các tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp ĐVHC phát biểu tại phiên họp.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Sau khi thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và ra Nghị quyết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 06 tỉnh, thành phố đợt này. Dự kiến thời gian có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 01/3/2020.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương tiếp tục hoàn thiện nội dung giải trình như việc đề nghị chưa sắp xếp các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 và một số ĐVHC sau sắp xếp nhưng vẫn chưa đủ tiêu chí theo quy định… để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.