PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ THỨ 33 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

08/01/2021

Sáng ngày 08/01/2021, tại tỉnh Kiên Giang, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể lần thứ 33 để cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021).

 

Tham dự phiên họp có đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang và các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

        

Toàn cảnh Phiên họp 

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, về cơ cấu tổ chức, Ủy ban Pháp luật có 42 thành viên, trong đó 13 thành viên làm việc tại các cơ quan, tổ chức ở trung ương, 29 thành viên làm việc tại các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Tính đến tháng 12/2020, Thường trực Ủy ban Pháp luật có 09 thành viên, gồm Chủ nhiệm, 05 Phó Chủ nhiệm và 03 Ủy viên Thường trực, trong đó một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng thời kiêm nhiệm Phó Tổng Thư ký Quốc hội.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được từ những nhiệm kỳ trước, Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn, trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ xây dựng pháp luật đến giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội, của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước và của chính quyền địa phương cũng như góp phần bảo đảm tốt hơn việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cụ thể:

Về công tác xây dựng pháp luật: Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra 05 tờ trình của Chính phủ và các chủ thể khác về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; chủ trì thẩm tra 12 dự án luật, 05 nghị quyết của Quốc hội, 08 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp tham gia thẩm tra 69 dự án luật, 16 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 02 dự án pháp lệnh, 11 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra; chủ trì phối hợp với cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với 72 luật, 15 nghị quyết của Quốc hội, 02 pháp lệnh, 05 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp 

Về công tác giám sát: Ủy ban Pháp luật đã chủ trì giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; đã thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với các luật được Quốc hội khóa XIII và khóa XIV thông qua do Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra và giám sát văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước khác ở trung ương ban hành thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách từ tháng 8/2018 đến nay. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức thực hiện 01 nội dung giám sát chuyên đề, tổ chức 03 phiên giải trình về các nội dung thuộc các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức gửi đến Ủy ban Pháp luật cũng được xử lý một cách khoa học, kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng.

Về công tác thẩm tra, tham mưu quyết định vấn đề quan trọng của đất nước: thành tựu nổi bật của Ủy ban Pháp luật trong nhiệm kỳ này là đã thẩm tra, tham mưu cho Quốc hội quyết định thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng, quyết định tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và hải đảo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, đô thị hóa và hội nhập quốc tế của các thành phố. Đồng thời, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra và phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tổng cộng 46 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, qua đó giảm 08 đơn vị hành chính cấp huyện, 557 đơn vị hành chính cấp xã.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban cho rằng, một trong các điểm mới của nhiệm kỳ này là việc Ủy ban, Thường trực Ủy ban đã liên tục tìm tòi, đổi mới và có nhiều cải tiến trong quy trình, cách thức tổ chức triển khai thực hiện công việc, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Ủy ban, trong đó nổi bật nhất là việc tổ chức các phiên họp trực tuyến để kịp thời thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 và đáp ứng với yêu cầu xử lý khối lượng công việc thường xuyên ở mức độ lớn, tiến độ gấp của Ủy ban. Trong nhiệm kỳ này, tuy khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của các thành viên Ủy ban, các đồng chí trong Thường trực Ủy ban và sự tham mưu, giúp việc hiệu quả, có trách nhiệm của Vụ Pháp luật nên về cơ bản các nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao đều đã được Ủy ban hoàn thành, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Chủ nhiệm Ủy ban và bộ phận Thường trực đã thể hiện tốt vai trò là hạt nhân lãnh đạo, tâm huyết, trách nhiệm, liên hệ chặt chẽ với từng thành viên, tạo môi trường, khí thế làm việc tích cực, quy tụ, lôi cuốn và thường xuyên động viên, khích lệ các thành viên tham gia hoạt động của Ủy ban một cách hăng say, trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội, đã hoan nghênh những kết quả quan trọng mà Ủy ban Pháp luật đã đạt được trong nhiệm kỳ này, qua đó góp phần vào thành công chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Pháp luật đã có nhiều dấu ấn trong hoạt động chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu biểu như trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật nói chung; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, thí điểm và tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở một số thành phố trực thuộc trung ương; hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật... Có thể nói, sự đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của các thành viên Ủy ban Pháp luật đã góp phần xây dựng Ủy ban Pháp luật ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu chuyên môn về pháp luật nói chung, về tổ chức bộ máy nhà nước, dân sự, hành chính nói riêng cho Quốc hội.

Trên cơ sở ghi nhận những kết quả đạt được, chia sẻ với những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Pháp luật cần tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát, bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Kết thúc phiên họp, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của các đại biểu dự họp. Trong thời gian tới, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, tiếp tục đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì tinh thần đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo báo cáo tổng kết, tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ phía các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác với Ủy ban để tiếp tục hoàn thiện văn bản, chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 53 (tháng 02/2021) sắp tới.

Hoàng Giang