Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV
Dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và Ủy viên Ủy ban Pháp luật khóa XV.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV gồm 46 thành viên
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban Pháp luật khóa XV. Theo đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV có 46 thành viên với Chủ nhiệm Ủy ban; 05 Phó Chủ nhiệm; 05 Ủy viên thường trực; 02 Ủy viên chuyên trách và 33 Ủy viên khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật là một trong 10 cơ quan chuyên môn của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật liên quan. Nhiệm vụ chính của Ủy ban gồm: thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực dân sự, hành chính, tổ chức bộ máy Nhà nước trừ tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; thẩm tra đề nghị của các cơ quan, tổ chức của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thẩm tra đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác do Quốc hội thành lập; thẩm tra các đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh các đơn vị hành chính; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các biện pháp cần thiết nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật là một trong những cơ quan chuyên môn bận rộn nhất của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban đã họp 35 phiên họp toàn thể, bên cạnh đó là các phiên họp thường xuyên của Thường trực Ủy ban để chuẩn bị các nội dung báo cáo.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với chủ trương tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, dự kiến khối lượng công việc của Ủy ban Pháp luật là rất lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các thành viên Ủy ban cố gắng, nỗ lực, thể hiện tinh thần trách nhiệm, bố trí thời gian dự họp, chủ động, tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của Ủy ban phụ trách, thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ủy ban theo quy định.
Giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ
Về chương trình phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể thẩm tra chính thức Tờ trình của Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp
Trình bày tóm tắt Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); đồng thời, tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số Bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số Bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, giải quyết an sinh xã hội, ổn định đời sống, an toàn cho Nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra; đồng thời, căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá chung tại Nghị quyết số 161/2021/QH14, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp.
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108-CV/VPTW ngày 23/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, đã chỉ đạo ‟trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV có 22 cơ quan, gồm: 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ.
Cụ thể, 18 Bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Các cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ một cách kỹ lưỡng, Chính phủ đã có đánh giá khách quan, toàn diện về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV, nêu rõ những kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế, căn cứ vào các văn kiện của Đảng và các nghị quyết có liên quan của Quốc hội để xác định quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu nhất trí phương án giữ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) gồm 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ; nhấn mạnh việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động đã đạt được, đảm bảo yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép” như Tờ trình đã nêu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn hạn chế nhất là tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý nhà nước hiệu quả chưa cao. Vì vậy đề nghị Chính phủ trong nhiệm kỳ mới cần quan tâm, xác định rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp hiệu quả, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu.
Đồng thời để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ quan tâm việc xây dựng lộ trình thực hiện kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 18 – NQ/TW trong đó có yêu cầu “một cơ quan thực hiện việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, kiện toàn, sắp xếp tổ chức thu gọn đầu mối; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền…Cần rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để có phương án giải quyết triệt để, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các Bộ.
Cũng có ý kiến cho rằng trong trường hợp không có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của Chính phủ thì không nhất thiết phải trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này tại Kỳ họp thứ Nhất để giảm bớt các nội dung mang tính thủ tục; từ đó xem xét đề xuất sửa đổi Nội quy Kỳ họp về nội dung liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật đã chuẩn bị chu đáo các nội dung để trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn cho thấy việc giữ cơ cấu tổ chức Chính phủ như hiện hành là phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng nếu như cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong nhiệm kỳ mới không có gì thay đổi thì không cần thiết phải có quy định về khẩn trương Ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ để giảm bớt các quy trình, thủ tục không cần thiết.
Ngoài ra, tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật cũng cho ý kiến về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV./.