Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Pháp luật
Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Pháp luật dự kiến kéo dài trong 2 ngày 13-14/4/2017. Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về Tờ trình dự thảo đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 21 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Dự kiến trong năm 2017 Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung vào chương trình một số dự án luật, pháp lệnh theo đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục lập đề nghị theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Đối với 21 dự án trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chính phủ báo cáo cụ thể như sau:
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Chương trình thông qua: Chính phủ đề nghị đưa 09 dự án luật, gồm: 07 dự án luật thuộc chương trình năm 2017 theo nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội chuyển sang; 01 dự án mới được đề xuất bổ sung từ chương trình năm 2017 chuyển sang và 01 dự án luật đề xuất mới trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Chương trình cho ý kiến: Chính phủ đề nghị đưa 08 dự án luật, gồm: 01 dự án là luật công an xã được rút ra khỏi chương trình năm 2016, nay được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2018 và 07 dự án đề xuất mới.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chương trình thông qua: Chính phủ đề nghị đưa 09 dự án luật, gồm: 08 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và 01 dự án luật đề xuất mới trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Chương trình cho ý kiến: Chính phủ đề nghị đưa 03 dự án luật.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2017, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình đối với 11 dự án.
Thảo luận tại buổi làm việc, thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá, trong thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án; công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được chú trọng, tăng cường, kịp thời hơn.
Tuy nhiên, một số thành viên thường trực Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những hạn chế chậm khắc phục như: việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định nên ảnh hưởng đến Chương trình làm việc của các cơ quan này; chất lượng của một số dự án luật còn hạn chế; tình trạng “ tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để, có những văn bản còn nợ nhiều năm chưa được ban hành.
Đánh giá chung về công tác chuẩn bị chương trình năm 2018 và điều chỉnh chương trình năm 2017, thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, so với các năm trước đề nghị đưa các dự án vào Chương trình đã có những cải tiến và đi vào thực chất hơn; việc chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được chuẩn bị kỹ và công phu hơn; đề nghị của Chính phủ được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội tuy hơi muộn nhưng sau đó tiếp tục được bổ sung và đến thời điểm này cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thường trực Ủy ban pháp luật cũng chỉ rõ, do đây là năm đầu tiên việc chuẩn bị dự kiến Chương trình được thực hiện hoàn toàn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 với những thay đổi cơ bản về quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nên không tránh khỏi những lúng túng, thiếu sót. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần lưu ý, rút kinh nghiệm trong những năm tiếp theo.
Đi vào cụ thể, về cơ bản thường trực Ủy ban Pháp luật cùng chung ý kiến với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về các dự án luật được dự kiến đưa vào Chương trình năm 2018.
Về các dự án đề nghị điều chỉnh trong Chương trình năm 2017, thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh các dự án luật tránh tình trạng dồn quá nhiều dự án luật trong 1 kỳ họp để đảm bảo yêu cầu về thời gian và chất lượng thẩm tra, xem xét dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền trình, soạn thảo dự án cần tập trung nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản để đảm bảo chất lượng, tiến độ trình của dự án luật, pháp lệnh; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa chuẩn bị kỹ, chưa có đầy đủ hồ sơ theo quy định; việc xây dựng dự kiến các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng cần đảm bảo rằng, các luật đưa vào chương trình phải tuân thủ tính thống nhất, đồng bộ với những luật đã ban hành và trong toàn hệ thống pháp luật của đất nước.
Để hoàn thành việc lập và triển khai Chương trình năm 2018 với chất lượng cao nhất, Phó Chủ tich Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trong việc lập Chương trình các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực; chuẩn bị hồ sơ đề xuất đưa dự án vào Chương trình bảo đảm đầy đủ tài liệu theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong việc soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến về các dự án đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình, các cơ quan có thẩm quyền xác định rõ trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh theo đúng quy định; chuẩn bị kỹ các dự án luật, pháp lệnh đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ; trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc với Ủy ban thường vụ Quốc hội.