Vừa qua, trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Nội vụ cùng tổ chức cuộc làm việc với các cơ quan, ban, ngành hữu quan để giải quyết việc phân định về địa giới hành chính giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa tại khu vực giáp ranh giữa xã Ea Trang, huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk và xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đồng chủ trì làm việc. Tham dự làm việc có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ với sự tham gia và chứng kiến của các đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ năm 1976, sau khi sáp nhập 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên thành tỉnh Phú Khánh, sáp nhập tỉnh Quảng Đức vào tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Phú Khánh đã chuyển giao huyện Khánh Dương (nay là huyện M’Đrắk) cho tỉnh Đắk Lắk quản lý. Do việc phân định địa giới không rõ ràng nên còn tồn tại khu vực chồng lấn về địa giới hành chính giữa hai tỉnh tại khu vực núi Vọng Phu với tổng diện tích là 9.300,00 ha, dẫn đến chưa xác định được đường chỉ giới hành chính giữa hai tỉnh, gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc quản lý đối với địa bàn này. Thực hiện Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã, lãnh đạo hai tỉnh và các cơ quan liên quan ở trung ương đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, nghiên cứu, khảo sát thực tế để đưa ra các phương án giải quyết nhưng vẫn chưa tìm được sự thống nhất chung.
Với quyết tâm giải quyết dứt điểm vấn đề chồng lấn địa giới hành chính giữa một số địa phương, trong đó có địa giới hành chính giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa như đã nói ở trên, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan có nhiều cố gắng trong việc đề xuất các nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh. Đó là cần căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, có tính đến đề nghị hợp lý của địa phương; tôn trọng hiện trạng và thực tế quản lý; bảo đảm thuận tiện cho nhân dân và cho công tác quản lý nhà nước. Tiếp đó, Bộ Nội vụ đã phối hợp cũng các cơ quan hữu quan liên ngành tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp đi làm việc, khảo sát thực địa tại từng địa phương để nghiên cứu, đối thoại, đề xuất phương án xử lý đối với từng địa bàn chồng lấn, tranh chấp. Trong các tháng đầu năm 2017, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã cử đại diện tham gia nhiều cuộc làm việc và khảo sát nói trên.
Tại cuộc làm việc chiều ngày 20/6/2017 vừa qua, trên cơ sở phương án do liên ngành trung ương đề xuất, lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã thống nhất giải quyết dứt điểm việc xử lý khu vực địa giới hành chính chồng lấn, theo đó tỉnh Khánh Hòa sẽ quản lý 5.341,4 ha/9.300,00 ha (trong đó có hồ thủy điện Krông Rou); tỉnh Đắk Lắk sẽ quản lý 3.958,6 ha/9.300,00 ha (trong đó có Hòn Vọng Phu và núi Mẹ Bồng Con). Phương án giải quyết này đã đạt được sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và các cơ quan liên quan, là cơ sở để tiến hành cắm mốc phân định địa giới hành chính chính thức giữa hai địa phương .
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã ký vào bản đồ xác nhận địa giới hành chính giữa hai tỉnh dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai Đoàn đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia chứng kiến và cùng ký xác nhận vào bản đồ và biên bản làm việc.
Căn cứ kết quả làm việc này, trong thời gian tới Ủy ban nhân dân hai tỉnh và các cơ quan có liên quan ở trung ương sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để xác định địa giới hành chính và cắm mốc trên thực địa, hoàn thiện bản mô tả địa giới đơn vị hành chính và tổ chức ký xác nhận pháp lý, bàn giao địa giới hành chính giữa hai địa phương.
Qua quá trình phối hợp xử lý chồng lấn về địa giới hành chính giữa các địa phương, Ủy ban Pháp luật nhận thấy cách thức tổ chức làm việc, đối thoại để giải quyết các vướng mắc giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa như vừa qua là mô hình phù hợp, có hiệu quả và cần được giới thiệu để các địa phương khác tham khảo./.