Nhằm thu thập thêm thông tin phục vụ việc xem xét, thẩm tra và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), thực hiện Kế hoạch công tác của Ủy ban, ngày 25 tháng 9 năm 2017, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tiến hành khảo sát thực tế tại khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Đoàn khảo sát vinh dự có sự tham gia của đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Vân Phong là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất trong khu vực Đông Á, là cửa mở hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Bắc Nam và Đông Tây; gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng của khu vực, có khả năng kết nối đến hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của khu vực. Theo lãnh đạo địa phương, với các lợi thế về địa lý, thuận lợi về giao thông, tỉ lệ lao động qua đào tạo gần 60%..., tỉnh Khánh Hòa đề xuất định hướng phát triển đặc khu này với 4 nhóm ngành nghề đặc thù: cảng biển và dịch vụ logistics; thương mại - dịch vụ tài chính quốc tế; trung tâm dịch vụ - đô thị du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, casino tầm khu vực và quốc tế; phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao, y tế, giáo dục, dịch vụ sở hữu trí tuệ….
Sau khi tìm hiểu thực địa tại khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Đoàn khảo sát đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, đại diện các cơ quan, ban ngành và cử tri ở địa phương để trao đổi, làm rõ về đặc điểm kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy, tình hình an ninh, quốc phòng trên địa bàn; những thuận lợi, khó khăn và quá trình địa phương chuẩn bị cho việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; lắng nghe những kiến nghị của chính quyền và nhân dân địa phương về các vấn đề liên quan đến việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Những thông tin thực tế, ý kiến, kiến nghị của địa phương là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật giúp cho các thành viên Đoàn khảo sát và Ủy ban Pháp luật có thêm cơ sở thực tiễn bổ sung cho những lập luận, đánh giá trong việc thẩm tra dự án Luật để trình Quốc hội xem xét.