Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 8

28/09/2017

Thực hiện kế hoạch hoạt động của Ủy ban Pháp luật, trong các ngày 27 và 28/9/2017, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Pháp luật cùng đại diện một số ban, ngành, cơ quan trung ương và đại diện các địa phương. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì phiên họp.

Trong phiên làm việc buổi sáng ngày 27/9/2017, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra chính thức dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Dự án Luật quy định áp dụng đối với ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Dự thảo Luật được xây dựng trong bối cảnh ở khu vực và trên thế giới, các đặc khu kinh tế đã được hình thành ở nhiều quốc gia với quy mô, mức độ thành công khác nhau; ở nước ta cũng tồn tại nhiều mô hình khu kinh tế tập trung với các tên gọi như: khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Do vậy, việc xây dựng Luật được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa những kinh nghiệm thành công, đồng thời, phân tích và rút ra bài học từ những mô hình chưa hiệu quả ở cả trong nước và quốc tế để tránh việc phát triển dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm, gây lãng phí nguồn lực của đất nước; bảo đảm sự thận trọng nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội phát triển của từng địa phương. Bên cạnh đó, ba địa phương dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; có đặc thù tự nhiên, mật độ dân cư, mức độ phát triển khác nhau. Vì vậy, các cơ chế, chính sách được đề xuất trong Luật cần được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, toàn diện, khoa học, khách quan trên tất cả các phương diện kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, để vừa bảo đảm thu hút đầu tư, đồng thời phải bảo đảm an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm sự ổn định đời sống của Nhân dân. Theo Chương trình, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) sắp tới.

Ủy ban Pháp luật phiên toàn thể tại Khánh Hòa

Buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Tham dự có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ và Ban Nội chính Trung ương. Sau khi nghe đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ, theo ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày nội dung Báo cáo của Chính phủ, đồng chí Phạm Trí Thức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật trình bày kết quả nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật và các đại biểu tham dự phiên họp đã thảo luận, nêu câu hỏi và đóng góp nhiều ý kiến vào Báo cáo. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét.

Tiếp tục chương trình làm việc, trong buổi sáng ngày 28/9/2017, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết. Tham dự phiên họp có đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương. Các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày 02 Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp; Báo cáo về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2017; đồng thời, các đại biểu cũng nghe đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về 02 báo cáo này. Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá Báo cáo của Chính phủ được xây dựng trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị. Ủy ban cơ bản đồng ý với các nhận xét và kiến nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đặt ra thì cần phải tiếp tục hoàn thiện, cập nhật số liệu để có báo cáo mới, cần phân tích kỹ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và làm rõ trách nhiệm, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục và có kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng như với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan. Các ý kiến đóng góp tại Phiên họp của Ủy ban Pháp luật là cơ sở quan trọng, giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện các Báo cáo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Vụ Pháp luật